|
Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp có thực hiện các TTHC trên môi trường mạng là khá cao ở tất cả các nhóm TTHC được khảo sát, đều trên trên 50% (Ảnh minh họa) |
Kết quả khảo sát nhanh từ ý kiến của 861 doanh nghiệp trên cả nước cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có thực hiện các TTHC trên môi trường mạng là khá cao ở tất cả các nhóm TTHC được khảo sát, đều trên trên 50% bao gồm cả hình thức trực tuyến hoàn toàn và trực tuyến kết hợp trực tiếp, trừ nhóm TTHC liên quan đến đất đai thì tỷ lệ này mới đạt gần 40%.
Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện các TTHC trực tuyến hoàn toàn vẫn còn ở mức độ khiêm tốn, trung bình là khoảng 17%, phổ biến ở mức 10 - 12%, riêng nhóm TTHC liên quan đến thuế và khởi sự doanh nghiệp có tỷ lệ hoàn toàn trực tuyến là khá cao so với các nhóm TTHC khác, với tỷ lệ lần lượt là 30% và 28%.
Việc thực hiện TTHC nói chung và việc thực hiện TTHC trên môi trường mạng nói riêng đã có những thuận lợi nhất định cho doanh nghiệp, với 17,3% doanh nghiệp tham gia trả lời khảo sát cho biết thời gian thực hiện TTHC đã giảm hơn trước; 16% doanh nghiệp cho biết đã có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về quy trình, thủ tục cho người thực hiện; giảm yêu cầu về tài liệu, giấy tờ so với trước (12,1%); thực hiện được TTHC 24/7 (11,5%) hay thanh toán phí, lệ phí, phí dịch vụ đã thuận tiện hơn (10,4%).
Riêng với thủ tục hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19, điểm sáng là 68% doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời đã thực hiện trên môi trường mạng.
Dẫu vậy, bên cạnh những thuận lợi, kết quả khảo sát cũng cho thấy việc thực hiện TTHC của doanh nghiệp nhìn chung còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Cụ thể, 45% doanh nghiệp cho biết khó khăn họ gặp phải là khi có vướng mắc trong thực hiện TTHC thì không biết hỏi ai để giải đáp; 34% doanh nghiệp cho biết hồ sơ thực hiện TTHC được chấp nhận ở cơ quan hành chính này nhưng lại không được chấp nhận ở cơ quan hành chính khác với cùng thủ tục; 16% doanh nghiệp cho biết họ phải trả thêm chi phí không chính thức khi thực hiện TTHC...
Riêng với việc thực hiện TTHC trên mạng, dù tỷ lệ thực hiện tăng cao nhưng doanh nghiệp vẫn phản ánh còn có những hạn chế cụ thể như: 30% doanh nghiệp cho biết việc nộp hồ sơ trên mạng thường không có phản hồi, 17% doanh nghiệp bị từ chối nhưng không rõ lý do. Thậm chí, việc nộp trực tuyến lại mất nhiều thời gian hơn so với nộp trực tiếp (12% doanh nghiệp), doanh nghiệp phải thực hiện trên nhiều trang giao diện khác nhau mới hoàn thành thủ tục (11%) và không thanh toán được trực tuyến hay văn bản ký số không được chấp nhận (7%).
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng ghi nhận đánh giá của các doanh nghiệp về nguyên nhân của các vướng mắc trong thực hiện TTHC cả từ phía cung cấp dịch vụ cũng như bên thực hiện thủ tục.
Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Kết quả khảo sát về thực trạng cung cấp, thực hiện TTHC trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở xem xét báo cáo này, ngày 9/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu các khuyến nghị được tổng hợp tại báo cáo để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Các bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu phải đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, hình thành các dữ liệu dùng chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của các bộ, ngành với Hệ thống phần mềm một cửa của các địa phương theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trên cơ sở tái cấu trúc các quy trình thủ tục, tạo thuận lợi cho người dùng và rà soát tổng thể quy định pháp lý liên quan để chuyển đổi hình thức thực hiện từ trực tiếp sang trực tuyến.
Bộ LĐTB&XH tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá thực tiễn, làm rõ những hạn chế về quy định và thực thi liên quan đến việc giải quyết TTHC hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, để triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ, góp phần đẩy mạnh an sinh, mang lại động lực cho nỗ lực phục hồi, phát triển của doanh nghiệp.
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giám sát việc cải cách TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn với các chỉ tiêu cải cách cụ thể, tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan liên quan để đánh giá thực chất hiệu quả hoạt động của các bộ, ngành, địa phương; nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bộ Nội vụ phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ về các hình thức khen thưởng, kỷ luật để tạo động lực, bảo đảm tính nghiêm túc, hiệu quả trong công tác cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Vân Anh
Đồng Nai đẩy mạnh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp dùng dịch vụ công trực tuyến
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tại Đồng Nai sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia khai thác và sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến đã được tỉnh cung cấp.
" alt="Trên 50% doanh nghiệp đã thực hiện các thủ tục hành chính trên mạng" width="90" height="59"/>