- Đúng giờ tới từng phút, nguyên tắc nhưng rất linh hoạt, độc lập và tình cảm… là những ấn tượng mà Hoài An cảm nhận được ở những người Đức xung quanh mình chỉ sau hơn 2 tháng đặt chân tới đất nước châu Âu xinh đẹp này.
|
Nguyễn Thị Hoài An - du học sinh Đức theo học bổng DAAD. An đang theo học chương trình Thạc sĩ của ĐH Potsdam. Ảnh: NVCC |
Duyên với nước Đức
Nguyễn Thị Hoài An (sinh năm 1991) tốt nghiệp bằng Giỏi khoa Kinh tế đối ngoại chương trình chất lượng cao, ĐH Ngoại thương Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, với khả năng giao tiếp tiếng Anh thành thạo cộng với bề dày hoạt động ngoại khóa đáng nể, Hoài An trải qua nhiều công việc: sale, marketing, phát triển kinh doanh… ở các doanh nghiệp của Mỹ, Úc, Canada. Nhưng chỉ đến khi làm việc cho một công ty tư vấn về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, nhận thấy Việt Nam đang rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực môi trường, an toàn, sức khỏe, cô gái 25 tuổi mới tìm thấy đúng công việc mà mình muốn theo đuổi lâu dài trong tương lai.
Nhận được thông tin về học bổng DAAD của Chính phủ Đức sát ngày hết hạn nộp hồ sơ, An cho rằng có lẽ mình và nước Đức “có duyên”. Hiện An đang trong thời gian học tiếng Đức trước khi bước vào chương trình học Thạc sĩ ngành “Geo-Governance” (quản trị môi trường, biến đổi khí hậu, quản trị tài nguyên thiên nhiên) của trường ĐH Potsdam. “Sở dĩ em chọn ngành này vì thấy Việt Nam đang nằm trong danh sách top 5 quốc gia chịu tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Sau khi tốt nghiệp, về Việt Nam, em nghĩ những gì mình học được sẽ có đất dụng võ” – Hoài An chia sẻ.
Trước đó, Hoài An cũng từng nhận được học bổng Thạc sĩ của Chính phủ Trung Quốc, tuy nhiên em chỉ sang khoảng 1 năm với mục đích học tiếng. Sau 8-9 tháng đắm mình trong môi trường bản địa, vốn tiếng Trung của em khá lên rất nhanh và đủ để giao tiếp một cách thoải mái bằng ngôn ngữ này.
Thích học ngoại ngữ, thích đi du lịch, cô gái năng động này từng đặt chân tới 6 quốc gia Đông Nam Á. Mỗi chuyến đi, mỗi nền văn hóa đều mang lại cho An những trải nghiệm mới mẻ, những cơ hội giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế.
Cô gái thích ngôn ngữ
Thành thạo tiếng Anh và tiếng Trung, hiện đang học tiếng Đức, Hoài An chia sẻ rằng để đạt được ngưỡng cao khi học ngoại ngữ, người học nên có đam mê. May mắn được tiếp xúc với tiếng Anh từ năm lớp 1, học chuyên Anh THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), lên đại học lại học chương trình chất lượng cao hoàn toàn bằng tiếng Anh, khi đi làm cũng làm việc trong môi trường sử dụng tiếng Anh thường xuyên, thứ ngôn ngữ này đã trở nên quá quen thuộc với An. Thế nên, khi bắt đầu học một ngoại ngữ khác, cần phải thực sự thoát khỏi vùng an toàn của chính mình để đắm mình trong ngôn ngữ mới.
|
Hoài An thích học ngoại ngữ và đi du lịch. Hình ảnh em đi chơi cùng bạn bè ở Đức. Ảnh: NVCC |
“Hồi bắt đầu học tiếng Trung, khi thấy khó chịu quá, em cứ cố gắng chuyển sang tiếng Anh để nói nhưng càng như thế thì càng không tốt. Ví dụ như việc em sang Đức, vì người Đức nói tiếng Anh rất tốt, em không cần tiếng Đức vẫn sống được, nhưng vẫn phải giả vờ như không biết tiếng Anh để nói tiếng Đức bằng được” – Hoài An nói.
“Tiếng Đức hơi rắc rối, lúc đầu em hơi choáng nhưng cũng vượt qua giai đoạn đó rồi. Tiếng Đức có một chút tiếng Anh, một chút tiếng Pháp, rất hay. Mặc dù ở trường bọn em học bằng tiếng Anh, không yêu cầu chứng chỉ Đức nhưng em cũng muốn tận dụng tối đa thời gian để học tiếng Đức. Hiện tại bọn em học với tốc độ học gấp 2-3 lần ở Việt Nam, mỗi ngày học 20-30 từ mới” – An chia sẻ về quá trình học tiếng Đức hiện tại.
11h57' là đúng 11h57’
Mới đặt chân sang Đức được hai tháng rưỡi, An cho biết, có lẽ do gặp may nên cuộc sống ban đầu vô cùng thuận lợi. Em đang được sắp xếp ở “homestay” với một bác gái người Đức gần 60 tuổi, là giáo viên tiểu học.
“Bác chủ nhà vô cùng tốt bụng. Bác ra tận sân bay đón bọn em và đối xử với em giống như con. Từ khi sang đây hầu như em không gặp bất cứ khó khăn gì. Em muốn đi mua sim điện thoại bác cũng đưa đi. Ngày đầu tiên em đi học, bác đưa ra tận xe điện ngầm, chỉ đường cho em” – Hoài An kể.
Hồi mới sang, An khá “sốc” với một số tính cách của người Đức. “Người Đức cực kỳ đúng giờ. Vào lớp 9 giờ là đúng 9 giờ. Cô giáo không bao giờ đi muộn. Tàu điện ngầm là đúng giờ nhất, xe buýt nếu có chỉ chậm vài phút. 11h57’ là đúng 11h57’. Em đã rất “choáng” và tự hỏi tại sao lại có thể đúng từng phút một như thế”.
“Đi mua bán hàng hóa, hay đi ăn uống, người Đức không vồn vã như người Mỹ, nhưng mình hỏi gì họ sẽ trả lời rất chi tiết, đầy đủ. Em cho rằng đó là biểu hiện của sự chuyên nghiệp, chứ không phải người ta lạnh lùng” – An nhận xét về tính cách được cho là lạnh lùng của người Đức.
|
Hoài An và bác chủ nhà tốt bụng mà em đang "homestay". Ảnh: NVCC |
Tuy nhiên, những câu chuyện mà An từng gặp đã phá bỏ định kiến về sự nguyên tắc, cứng nhắc của người Đức. Em kể, ở Berlin chia thành 3 khu A, B, C. Em chỉ phải mua vé tàu khu A, B nhưng một lần em ngồi ngược tàu, đi nhầm sang khu C và đã đi rất xa. Đã thế, em còn ngồi nhầm ở khoang hạng nhất. Theo quy định, An sẽ bị quy vào tội trốn vé. Khi phát hiện ra mình nhầm, em nhắn tin cho bạn và bị bạn dọa là “chuẩn bị tiền đi, chắc chắn sẽ bị phạt”. Nhưng khi nhân viên soát vé tới, em trình bày sự việc thì vẫn được tha. “Nhân viên soát vé nói không sao, nhưng đây là khoang hạng nhất, không được ngồi ở đây và thả em đi”.
Một lần khác, đi chơi cùng các bạn, một bạn làm mất vé tàu của cả nhóm. “Thậm chí, những người Đức trên xe cũng nói là họ rất hiểu người Đức, rất nguyên tắc và không chấp nhận lời giải thích nên bọn em cứ chuẩn bị tiền phạt đi. Nhưng rất may là bác soát vé chiều về cũng là soát vé chiều đi. Bác ấy nhớ mặt bọn em và bọn em trình được hóa đơn mua trên mạng nên bác vẫn thả đi, không phạt tiền. Mấy người ngồi cạnh bọn em đều tỏ ra ngạc nhiên, không ngờ là người Đức cũng linh động như thế”.
Một đặc điểm khác mà An cũng vô cùng ấn tượng về người Đức là người già và trẻ con ở đây “rất siêu”. “Có những bác 70 tuổi vẫn lái ô tô. Họ rất độc lập. Bác chủ nhà em 57 tuổi nhưng vẫn đi làm. Bác có 3 anh con trai nhưng không ở cùng ai. Trẻ con thì rất tự lập, mới mấy tuổi đã tự đi học bằng tàu điện ngầm”.
“Ngày xưa em cũng nghe nói người nước ngoài lạnh lùng, không thích chia sẻ nhiều. Nhưng trường hợp chủ nhà em lại rất khác. Bác đưa em đi chợ nấu ăn, ăn cơm chung, em đi chơi, bác ở nhà quét dọn phòng, giặt đồ cho em, còn chiều em hơn cả mẹ em. Nhiều hôm đi chơi về đã thấy quần áo được giặt, gấp thơm tho trên giường rồi. Với một du học sinh phải sống xa nhà, những hành động đó của bác khiến em cảm thấy rất hạnh phúc.”
" alt="Những câu chuyện khiến du học sinh Việt ‘choáng’ về người Đức"/>
Những câu chuyện khiến du học sinh Việt ‘choáng’ về người Đức
Đã thành thông lệ, trước khi bước sang năm mới theo âm lịch, chư tăng phật tử chùa Trúc Lâm Kharkov (Kharkov là thành phố lớn thứ hai ở Ukraine) đều cử hành lễ cúng Giao thừa, cầu chúc một năm mới an lành.Tết Giáp Ngọ năm nay, mặc dù thời tiết lạnh đến âm 25 độ C, rất nhiều bà con cộng đồng vẫn tề tựu về chùa từ sau 23 giờ đêm để dự lễ cúng Giao thừa, cầu mong Đức Phật ban cho những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Đại đức Thích Quang Điền đã tuyên đọc thư chúc Tết của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tới bà con phật tử.
|
Người Việt đón giao thừa tại chùa Trúc Lâm Kharkov. (Ảnh: NguoiVietKharkov)
|
Cũng nhân dịp năm mới 2014, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại Ucraina và Moldova Nguyễn Minh Trí đã gửi thư chúc tết đến toàn thể bà con cộng đồng người Việt ở Ukraine. Đại sứ cho biết, cộng đồng người Việt tại Ukraine "đã luôn hướng về quê hương, đất nước với tình cảm sâu sắc và có nhiều đóng góp công sức và vật chất xây dựng Tổ quốc, ủng hộ các phong trào từ thiện, như ủng hộ quân, dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Dioxin Việt Nam, ủng hộ phong trào Trái tim cho em, giúp đỡ đồng bào vùng bão lụt, vùng sâu, vùng xa...".
Theo lời Đại sứ Nguyễn Minh Trí, "Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã, đang và sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ bà con cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Ukraine ổn định cuộc sống, đạt được kết quả tốt nhất trong công tác và lao động, coi đó là một trong những trọng tâm công tác của cơ quan đại diện".
Tại Đức, sáng mùng 1 Tết Giáp Ngọ (31/1), Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Thị Hoàng Anh đã dẫn đầu đoàn cán bộ Đại sứ quán tới chúc mừng năm mới một số hội, đoàn và bà con đang làm ăn, buôn bán tại Berlin.
Trong không khí ấm cúng, thân tình tại văn phòng Trung tâm thương mại Đồng Xuân, Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp Năm mới tới toàn thể ban lãnh đạo trung tâm thương mại, Hội Phụ nữ cũng như bà con đang làm ăn tại đây. Đại sứ chúc cho Trung tâm thương mại ngày càng phát triển, hỗ trợ được nhiều hơn nữa cho bà con cộng đồng, có thêm nhiều đóng góp hướng về quê hương đất nước và góp phần nâng cao hơn nữa vị thế, hình ảnh của cộng đồng người Việt tại Berlin nói riêng và trên toàn nước Đức nói chung.
Đại sứ cũng khẳng định Đại sứ quán sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp và bà con tại Đức để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển tốt. Thay mặt trung tâm thương mại, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Hiền khẳng định ban lãnh đạo cũng như toàn bộ các doanh nghiệp trung tâm thương mại sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu góp phần xây dựng một cộng đồng người Việt lớn mạnh ở Berlin.
Trong khuôn khổ các hoạt động nhằm mang không khí Xuân ấm áp của quê hương đến với bà con cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí đã dự chương trình đón Xuân Giáp Ngọ 2014 cùng lao động người Việt tại Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài, thành phố Uijeongbu, tỉnh Gyeonggi.
Đại sứ cũng đã đến chúc tết, tặng quà một số gia đình cô dâu người Việt tiêu biểu tại quận Yongdongpo, thủ đô Seoul. Thay mặt lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Đại sứ Phạm Hữu Chí chúc mừng cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc nói chung và các anh chị em lao động người Việt nói riêng nhân dịp Tết đến, Xuân về.
Đại sứ đánh giá cao những đóng góp của anh chị em lao động đối với sự phát triển kinh tế của cả hai nước Việt-Hàn, cũng như góp phần xây dựng hình ảnh con người Việt Nam cần cù, chăm chỉ, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần tương thân tương ái và luôn hướng về quê hương, đất nước trong mắt người dân và doanh nghiệp của bạn.
Tại Phnom Penh sáng 29/1, Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam phối hợp với công ty Metfone và một số nhà hảo tâm tổ chức tặng 240 suất quà Tết cho bà con Việt kiều nghèo tại Phnom Penh đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Trong năm qua, do tình hình bất ổn hậu bầu cử ở Campuchia làm ảnh hưởng đến đời sống bà con Việt kiều, khiến nhiều hộ gia đình nghèo càng thêm khó khăn nên công ty Metfone và các nhà hảo tâm đã quyên góp tặng quà giúp bà con Việt kiều nghèo có thêm niềm vui trong những ngày đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Trước đó, sáng 28/1, tức 28 tháng Chạp, toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Singapore cùng đại diện các doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam tại Singapore đã đến dâng hoa tại bia tưởng niệm và tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói chuyện với đoàn người dâng hoa, trong đó có nhiều người đến thăm nơi đây lần đầu tiên do mới nhận công tác tại địa bàn, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Trần Hải Hậu cho biết bia tưởng niệm được xây dựng để kỷ niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Singapore vào tháng 5/1930 và tháng 1/1933.
Bia tưởng niệm được khánh thành vào tháng 5/2008 nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 118 của Người và 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore. Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Singapore vào tháng 9/2011. Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt tại khuôn viên Bảo tàng Văn minh châu Á, một trong những địa điểm thu hút nhiều khách tham quan Singapore.
Cũng trong ngày 28/1, tại thủ đô Algers, Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp gỡ thân mật nhân dịp Xuân Giáp Ngọ 2014. Đến dự có đại diện Bộ Ngoại giao Algeria, Hội hữu nghị Algeria-Việt Nam, Hội Vovinam Việt Võ Đạo và Song long quyền thuật, đông đảo bà con Việt kiều cùng đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Algeria.
Trong bầu không khí ấm cúng, Đại sứ Việt Nam tại Algeria Vũ Thế Hiệp đã giới thiệu về tình hình đất nước trong năm qua, đồng thời nêu bật những thành tựu quan trọng trong tiến trình đổi mới, hiện đại hóa, mở cửa và hội nhập quốc tế toàn diện. Nhân dịp này, Đại sứ thông báo Ban liên lạc lâm thời Hội người Việt Nam tại Algeria đã được thành lập và ông Phạm Đỗ Nhật Quang được bầu làm Trưởng Ban.
Nhân dịp năm mới, Đại sứ Vũ Thế Hiệp gửi tới các vị khách và cộng đồng người Việt tại Algeria lời chúc một năm mới tràn đầy nghị lực, sức khỏe dồi dào, hạnh phúc và may mắn. Đại sứ mong bà con Việt kiều tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, làm ăn phát đạt, hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân đối với chính quyền sở tại và là nhịp cầu nối tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Algeria.
Tối cùng ngày, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã tổ chức cuộc gặp mặt mừng Xuân Giáp Ngọ trong khuôn viên của Đại sứ quán ở thủ đô Pretoria. Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Đại sứ Lê Huy Hoàng nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nam Phi, Botswana, các nước lân cận và các nơi khác trên thế giới là một phần không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Công tác cộng đồng tiếp tục là trọng tâm ưu tiên của cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại, nhằm chăm lo hỗ trợ cộng đồng phát triển và hòa nhập tốt hơn, góp phần phát triển quan hệ giữa Việt Nam với nước sở tại.
Trong không khí mừng Đảng mừng Xuân mới, Đại sứ Lê Huy Hoàng kêu gọi tập thể cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam tại Nam Phi tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp phát triển đất nước; tăng cường, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Nam Phi và các nước láng giềng; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực cũng như trên thế giới.
P.V(Tổng hợp từ NguoiVietKharkov, Vietnam+)
" alt="Cộng đồng người Việt ở nhiều nước vui đón Tết Giáp Ngọ"/>
Cộng đồng người Việt ở nhiều nước vui đón Tết Giáp Ngọ