|
Các nhà quản lý, chuyên gia đều nhận định rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, tác động đến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, sẽ tạo nên những thay đổi đột phá cho nền kinh tế, xã hội.
Theo dự báo, đến năm 2020 toàn thế giới sẽ có khoảng 20 tỷ thiết bị kết nối với nhau bằng Internet kết nối vạn vật (IOT). Thị trường này sẽ tạo ra 1,9 nghìn tỷ USD doanh thu, với hơn 25 triệu ứng dụng. Máy tính đã và đang tham gia vào quá trình quản lý sản xuất, điều hành với tốc độ chưa từng thấy trước đây.
Đây là cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối Internet, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo..., là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thương mại điện tử…
Cùng đó, với cơ hội lớn trên nền tảng hạ tầng thông minh hiện nay, các doanh nghiệp startup hoàn toàn có thể là cầu nối để đem những giá trị tri thức của nhân loại về Việt Nam, giúp giải quyết các bài toán của Việt Nam.
Trên tinh thần đó, ICTnews tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Cách mạng 4.0: Cơ hội nào cho startup Việt?” để các chuyên gia sẽ trao đổi, đánh giá về xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các startup Việt cần làm gì để có thể bắt nhịp làn sóng 4.0, nên bắt đầu như thế nào để hiện thực hóa ước mơ...
Tham gia tọa đàm trực tuyến “Cách mạng 4.0: Cơ hội nào cho startup Việt?”, 4 chuyên gia đến từ các doanh nghiệp CMC, Nexttech, Rada và Vinalink cũng sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra những gợi ý, khuyến cáo cho các startup trên hành trình khởi nghiệp, các startup đang cần gì từ bàn tay hỗ trợ của Nhà nước; đâu là rào cản, bất cập khiến sự phát triển của startup bị hạn chế… để từ đó tìm ra lời giải, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng startup Việt.
Buổi tọa đàm được triển khai bằng hình thức đưa ra câu hỏi mà độc giả quan tâm đến các chuyên gia trả lời và đăng tải trên ICTnews.vn.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của 4 chuyên gia, gồm có: ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC; ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Nexttech; ông Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink; và ông Mã Hoàng Hải, nhà sáng lập, CEO Công ty cổ phần Rada.
|
|
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Võ Đăng Thiên - Tổng Biên tập Báo Bưu điện Việt Nam cho biết, tại thời điểm tháng 5/2017, nhân sự kiện kỷ niệm 10 năm sinh nhật ICTnews.vn, chuyên trang của Infonet.vn, chúng tôi đã công bố chương trình đồng hành cùng cộng đồng startup Việt Nam. Tại chuyên mục Khởi nghiệp, chúng tôi hỗ trợ truyền thông cho các startup, nói lên những khó khăn của startup hiện nay và ICTnews cũng kỳ vọng trở thành địa chỉ tin cậy để startup kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Với ý nghĩa đó, cùng với rất nhiều các tin bài về khởi nghiệp được các phóng viên của ICTnews thực hiện trong suốt thời gian qua, ngày hôm nay, ICTnews tổ chức tọa đàm trực tuyến “Cách mạng 4.0: Cơ hội nào cho startup Việt?”, là dịp để các chuyên gia với tâm huyết của mình cùng trao đổi, đưa ra những đánh giá, góp ý cũng như lời khuyên quý báu cho cộng đồng startup trên hành trình khởi nghiệp nhiều chông gai.
Tuyên bố bắt đầu buổi tọa đàm, Tổng biên tập Báo Bưu điện Việt Nam Võ Đăng Thiên cảm ơn các chuyên gia đã dành thời gian quý báu để có mặt tại buổi tọa đàm trực tuyến hôm nay.
Độc giả quan tâm đến tọa đàm có thể đặt câu hỏi và gửi về cho Ban Tổ chức theo địa chỉ [email protected]ặc [email protected]
MC: Các chuyên gia có thể đánh giá về xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
CEO Vinalink Tuấn Hà:Nếu như ngày xưa có những cái chúng ta nghĩ rằng không thay thế được thì nay, trong cuộc CMCN 4.0 đã có thể thay thế. Ví dụ như Nexttech của Việt Nam tung ra dịch vụ thanh toán di động qua mobile, hay dịch vụ trong ngành giao thông như Uber, Grab đang thay thế dịch vụ sản phẩm truyền thống. Các sản phẩm truyền thống còn đang rất nhiều và đó chính là cơ hội cho giới trẻ. Cuộc chơi đó thuộc về giới trẻ. Nhưng “giới già” cũng không muốn bỏ cuộc chơi mà tìm đến giới trẻ để đầu tư. Đó là những vườn ươm, các dự án. Họ đang bắt tay để nâng đỡ giới trẻ. Cuộc CMCN 4.0 là cơ hội để giới trẻ khởi nghiệp.
Cuộc thay đổi này không chỉ bó hẹp trong 1 quốc gia mà là toàn cầu. Một bạn trẻ của Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ cho Mỹ. Thực tế đã có những trường hợp như vậy. Trong CMCN 4.0 không có khoảng cách, startup có thể mở rộng đi ra toàn cầu.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Thực tế luôn ý kiến khác nhau về cơ hội và thách thức CMCN 4.0 đang đến rất gần. Có người cho rằng CMCN 4.0 cơ hội cao, có người cho rằng thách thức cao. Theo tôi, thách thức hay cơ hội tùy theo nhận thức mỗi người. Có thể nói quan điểm về vấn đề này thường có 3 nhóm. Nhóm cho rằng, có nhiều cơ hội, nhóm thận trọng hoài nghi cho rằng có nhiều thách thức, có nhóm cho rằng không liên quan. Cá nhân tôi cho rằng, CMCN 4.0 tạo ra rất nhiều cơ hội dựa trên nền tảng công nghệ, tri thức, kinh tế số đem lại lợi ích to lớn cho toàn thế giới. CMCN 4.0 tạo ra cơ hội nhiều hơn thách thức.
Việt Nam đang ở thời điểm dân số vàng và trẻ, CMCN 4.0 là cơ hội các bạn trẻ tiếp cận công nghệ tốt hơn. Chúng ta có thách thức là nước đi sau các nước công nghiệp phát triển, nhưng lại có lợi thế là tận dụng những ưu việt của nước đi trước, bên cạnh đó khả năng hội nhập của người Việt tương đối tốt, sáng tạo tốt, thích nghi với những cái mới. CMCN 4.0 ai mà có khả năng đáp ứng tốt là cơ hội rất lớn, nhất là đối với ngành CNTT. Nền tảng của CMCN 4.0 sử dụng CNTT rất nhiều, các doanh nghiệp CNTT không chỉ có cơ hội cung cấp dịch vụ cho thị trường 100 triệu dân mà còn có cơ hội tiếp cận với thị trường 7 tỷ người. Quan trọng là sản phẩm, dịch vụ có khả năng đáp ứng được nhu cầu của thị trường hay không. Các doanh nghiệp Việt Nam cần biến thách thức thành cơ hội mới, tạo ra những sản phẩm mới, có tính sáng tạo cao.
MC: Rất nhiều chuyên gia lo ngại rằng chúng ta bị chậm chuyến tàu CMCN 4.0, ông nghĩ thế nào về quan điểm này?
|
|
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Nói về CMCN 4.0 không phải có nhiều nước có nhận thức sớm so với Chính phủ Việt Nam, nhiều quốc gia khác chưa có nhận thức như Việt Nam. Sau nhận thức thì Chính phủ đã có những hành động hợp lý, nhưng chúng ta cần có thời gian chuyển dịch các ý tưởng này thành chính sách. Ví dụ, vấn đề chất lượng nhân lực không giải quyết trong 1 tháng hay 1 năm mà phải mất từ 3-5 năm, nếu dịch chuyển thì 3-5 năm mới xảy ra, nên chúng ta phải kiên trì một chút. Vừa rồi Chính phủ có yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động TBXH cho phép một phương thức đặc thù về đào tạo nhân lực CNTT. Các trường được chủ động về giáo án, giáo trình, không bị quota về tuyển sinh. Quan trọng hơn cả là có phối kết hợp đào tạo của nhà trường và doanh nghiệp. Sinh viên được thực tập, đào tạo tại doanh nghiệp thời gian đó được tính vào thời gian học tập của sinh viên.
MC: Tôi muốn hỏi ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech nhận định như thế nào về cơ hội cũng như thách thức của các startup Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Ông Nguyễn Hòa Bình: NextTech tính đến nay, nếu tính từ thời điểm startup công ty dịch vụ CNTT đầu tiên (năm 2004) cũng đã gần 14 năm với khoảng 30 công ty và hiện còn “sống” khoảng hơn 20 công ty trong 3 lĩnh vực chính triển khai tại 7 nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam.
Nói về startup trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chưa đi ngay vào câu hỏi, tôi muốn đề cập đến một số vấn đề về mặt nền tảng triết lý. Trong cuộc sống loài người nói chung, liên tục có các cuộc cách mạng, mỗi cuộc cách mạng lại đẩy xã hội loại người tiến lên một bước phát triển nữa.
Tôi cho rằng có 2 loại cách mạng và mỗi cuộc cách mạng đều có 1 triết lý nào đó thì mới có thể thành công. Ví dụ như cách mạng trong lịch sử, chúng ta thấy với các cuộc chiến tranh nổ ra do có một sự áp bức, là để phá tan xiềng xích; hay trong các cuộc cách mạng về kinh tế, 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đều có chung lý do là để tăng được năng suất lao động. Đó là nội hàm của các cuộc cách mạng. Khi chúng ta dùng từ “Cách mạng”, chúng ta phải tìm ra được nội hàm của nó đâu là áp bức bóc lột, đâu là năng suất lao động để từ đó đề ra được lý tưởng, triết lý của cuộc cách mạng lần này. Đó chính là kim chỉ nam cho các startup trong việc tìm kiếm các ý tưởng để chúng ta liên tục sản sinh ra được những ý tưởng mới để thực hiện cuộc cách mạng này.
Theo ý kiến cá nhân tôi, phạm trù cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lần này nằm ở mấy yếu tố sau: CNTT hiện nay là là hạ tầng của hạ tầng, một yếu tố không thể thiếu không thể thiếu với các ngành khác. Triết lý ở đây là chúng ta nhìn thấy có vấn đề, đó là các doanh nghiệp truyền thống trong hàng trăm năm nay quá bảo thủ, chậm trễ trong việc thay đổi chính bản thân mình để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Ví dụ như một case stady điển hình là ngành taxi - nạn nhân rất lớn của cách mạng công nghiệp 4.0. Hàng trăm năm nay, ngành taxi không có thay đổi gì, giá cước vẫn như vậy. Còn nhớ cách đây 5-7 năm, báo chí rất nhiều lần nói khi giá xăng tăng thì taxi tăng cước dịch vụ, còn khi giá xăng giảm thì lại giảm cước rất chậm. Tôi cũng được nghe chuyện các hãng taxi, cứ đầu tư taxi là có lãi và lãi cao, bản chất lãi đó đến từ túi tiền của người tiêu dùng. Tương tự, chúng ta thấy nhiều ngành truyền thống khác cũng đi vào “vết xe đổ” của ngành taxi, họ không có động cơ, động lực để làm cho dịch vụ của mình tốt hơn. Tôi nghĩ rằng, đó chính là nội hàm của “áp bức” để tạo mồi lửa cho cuộc cách mạng lần này.
Lý tưởng và triết lý của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là chúng ta phải sử dụng CNTT để tăng được năng suất lao động, từ đó tiết kiệm được chi phí, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Thậm chí, các doanh nghiệp truyền thống nếu không thích ứng được thì đó chính là đối tượng cần phải lật đổ trong cuộc cách mạng này. Trong bài toán kinh tế, “áp bức” chính là sự trì trệ, bảo thủ, không chịu thay đổi của các doanh nghiệp truyền thống.
Các doanh nghiệp CNTT có 2 con đường, một là hợp tác, giúp cho các doanh nghiệp truyền thông thay đổi, hoạt động hiệu quả hơn, đem lại năng suất lao động tốt hơn, mang đến quyền lợi tốt hơn cho người tiêu dùng; hoặc là “lật đổ” họ, giống như cách Uber, Grab hay Rada đã làm. Câu chuyện giống như “cây gậy” và “củ cà rốt”, doanh nghiệp truyền thống hợp tác thì sẽ có củ cà rốt, nếu họ không hợp tác thì sẽ có những cây gậy như Uber, Grab. Đây chính cơ hội của các doanh nghiệp startup công nghệ Việt Nam. Chúng ta phải đưa ra những dịch vụ mà từ góc nhìn của tôi, NextTech vẫn hay làm, đó là điện tử hóa. Các startup công nghệ hãy thay đổi tận gốc rễ cách chúng ta làm việc, hoạt động. Một phạm trù cũng rất quan trọng để thực hiện việc này là “nghĩ hoàn toàn khác biệt”, nghĩ ngược lại, nghĩ từ trên xuống dưới. Lấy ví dụ như ý tưởng của Uber, Grab là ý tưởng ngược hoàn toàn so với các doanh nghiệp taxi truyền thống.
Ngay với NextTech, mới đây chúng tôi đã startup thêm một số doanh nghiệp trong lĩnh vực kết nối, cho vay tiêu dùng: Fintech. Tôi đưa ra ý tưởng sử dụng công nghệ nào đó để chúng ta có thể cho khách hàng vay tiền mà không cần phải gặp mặt, không cần phải thế chấp, làm sao để trong tương lai chỉ cần bấm một nút là có thể quyết định cho vay tiền ngay lập tức, đó là điều mà hiện nay tất cả các ngân hàng truyền thống không ai làm được và không ai dám làm. Khi chúng tôi đưa ra ý tưởng này, rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đều cho rằng quá rủi ro. Cách nghĩ này theo tôi là cách nghĩ của tư tưởng truyền thống. Với công nghệ ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc: không cần gặp mặt nhưng có thể biết rõ về khách hàng hơn là gặp mặt. Đó chính là một ví dụ để thấy rằng các startup tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì buộc phải thực sự khác biệt tới tận gốc rễ. Nếu không sẽ không thể tạo được đột phá, đột biến để phát triển, nắm bắt cơ hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, đúng như Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính đã nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang đến cho các startup rất nhiều thách thức. Cá nhân tôi cũng thấy rất lo, quả thật khởi nghiệp tại Việt Nam chúng ta hô hào nhiều nhưng chất lượng startup như các chuyên gia đã nhận định, đang còn rất yếu. Và trong so sánh với các nước trong khu vực, ví dụ ở Indonesia, công ty GoJek chỉ sau 3 năm đã được định giá 3 tỷ USD; Malaysia có Grab; Thái Lan cũng đã có một vài doanh nghiệp chạm tới ngưỡng tỉ USD chỉ trong vòng vài năm. Phải chăng tại Việt Nam hiện nay chúng ta đang nói, hô hào quá nhiều nhưng kết quả thì thực tế, chúng ta cũng phải nhìn lạ năng lực của đội ngũ startup nước nhà.
Bản thân NextTech đã startup hơn chục năm nay, xây dựng được một hệ sinh thái nhưng vẫn chưa thể so được với các quốc gia trong khu vực nếu nói về chất lượng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xóa nhòa biên giới. Trong thế giới ngày nay, nhiều doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới đã đến Việt Nam, nếu các startup Việt không làm tốt hơn, không thay đổi “tận gốc rễ” thì cơ hội sẽ không dành cho chúng ta mà sẽ dành cho các doanh nghiệp tại các nước khác. Nhìn thách thức đó, tôi thực sự thấy lo ngại.
MC: Về mặt chính sách, liệu chính sách đã theo kịp tốc độ phát triển cúa cộng động khởi nghiệp hay chưa? Tại Việt Nam hiện nay có chính sách nào đang là rào cản, bất cập khiến sự phát triển của startup bị hạn chế?
|
|
Ông Mã Hoàng Hải, nhà sáng lập, CEO Rada:Chính phủ, các bộ ngành đã có những nỗ lực và có các hành động dày đặc để hỗ trợ startup. Tuy nhiên, cũng phải công nhận 1 điều so với các quốc gia khác trong khu vực thì Việt Nam vẫn là đất nước cần cải thiện về chính sách để cần bắt kịp các quốc gia. Để các startup có được các môi trường vận hành ngang bằng với các quốc gia trong khu vực thì cần cải thiện chính sách hơn nữa. Cần tập trung ở một vài khía cạnh: Vốn (thủ tục về đầu tư cần sớm ban hành); hình thức gọi vốn cộng đồng đã khá phổ biến nhưng ở Việt Nam chưa có hành lang rõ ràng để startup vận dụng triển khai; Việt Nam chưa có sàn huy động vốn dành cho startup; Vấn đề sở hữu trí tuệ như thủ tục đăng ký, bảo hộ,… Bởi một trong những tài sản lớn nhất của các startup là vấn đề trí tuệ. Chính sách tiếp cận đến các nguồn vốn vay có ưu đãi còn gặp khó.
Chính phủ nên cho phép các startup có thể tiếp cận đến các nguồn vốn bằng sản phẩm trí tuệ thay vì các tài sản thế chấp hay doanh thu. Với những quy định như hiện nay thì việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi thực sự ngoài tầm với của các startup.
MC: Startup cần bàn tay hỗ trợ của Nhà nước như thế nào?
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC:Nói đến khởi nghiệp mọi người thường hay nghĩ đến có nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có hỗ trợ tiền, nhưng theo tôi Chính phủ chỉ tạo ra môi trường thể chế, chính sách, ít khi hỗ trợ đầu tư bằng tiền mà sẽ có nhóm các doanh nghiệp lớn và các nhà đầu tư tham gia đầu tư. Đối với các nhà đầu tư họ mà nhìn thấy cơ hội tốt sẽ bỏ tiền ra đầu tư, mua dịch vụ đó để phát triển thành những sản phẩm của mình. Theo tôi, với các starup tiền bạc là một điều kiện nhưng ý tưởng có thực sự đem lại hữu ích và độc đáo hay không mới quyết định ý tưởng khởi nghiệp đó có ý nghĩa hay không.
Đối với khởi nghiệp, vai trò của các doanh nghiệp đầu tư rất quan trọng, vì thế mới đây CMC đã xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp ngay trong công ty mình. Bản thân lãnh đạo CMC cũng thấy rằng cần phải kích thích sáng tạo của anh em trong công ty, kêu gọi sáng tạo từ bên ngoài. Hệ sinh thái khởi nghiệp CMC có nhiều điều kiện để giúp các khởi nghiệp thành công.
MC: Cách mạng 4.0 đòi hỏi tất cả các doanh nghiệp kể cả lớn và nhỏ đều phải chuẩn bị bước vào xu hướng này. Vậy CMC đã chuẩn bị như thế nào trước làn sóng này?
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC:CMC đã xây dựng thành Tập đoàn theo mô hình sáng tạo dự trên học hỏi mô hình doanh nghiệp sáng tạo thế giới (như Google). Trong đó, CMC hình thành các tổ chức nghiên cứu và học tập như Viện nghiên cứu ứng dụng CMC, Trung tâm Sáng tạo CMC, Trung tâm Phát triển Nguồn lực CMC, Hệ thống các phòng thí nghiệm cho các xu hướng công nghệ mới 4.0: Big Data/AI, IoT, Security, Robotic. Hình thành Quỹ Sáng tạo CMC để đầu tư cho các ý tưởng mới trong và ngoài công ty từ các startup.
MC: Có ý kiến cho rằng, với Cách mạng 4.0 các startup sẽ phải học hỏi từ những doanh nghiệp đi trước như CMC, FPT, Viettel… hay các doanh nghiệp ICT toàn cầu. Trong khi đó, khả năng tiếp cận các doanh nghiệp lớn không phải là chuyện dễ dàng. Vậy CMC sẽ chia sẻ cho các startup về điều này thế nào?
|
|
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Đúng là các tập đoàn lớn có ưu thế về kinh nghiệm thị trường, quan hệ khách hàng, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và các startup hoàn toàn có thể chủ động tiếp cận với thị trường qua Internet và qua kênh Digital marketing. Để có thể khởi nghiệp thành công tôi muốn nhấn mạnh với startup về tính chủ động để giải quyết các vướng mắc của các bạn, và luôn suy nghĩ theo tinh thần tìm cách tự giải quyết tất cả các khó khăn, vướng mắc của mình. Về CMC chúng tôi có khả năng hỗ trợ các startup không chỉ về thị trường, mạng lưới khách hàng, mà còn hỗ trợ các bạn để phản biện hoàn chỉnh ý tưởng, mà còn hỗ trợ các bạn hiện thực hóa các ý tưởng của mình thông qua đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và môi trường nghiên cứu thử nghiệm, để giúp các startup có thể kiểm nghiệm được các ý tưởng của mình.
Các bạn có thể dễ dàng tiếp cận với chúng tôi thông qua mô hình Vườn ươm, hoặc Trung tâm Sáng tạo CMC. CMC luôn rộng cửa chào đón các bạn miễn là các bạn có ý tưởng sáng tạo đem lại hữu ích cho người dùng.
MC: Về mặt chính sách, liệu chính sách đã theo kịp tốc độ phát triển của cộng đồng khởi nghiệp hay chưa? Tại Việt Nam hiện nay có chính sách nào đang là rào cản, bất cập khiến sự phát triển của startup bị hạn chế? Vân Khánh (Đà Nẵng)
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTect:Theo ý kiến của tôi, để hướng tới mục tiêu “Quốc gia khởi nghiệp”, các bộ, ban, ngành cần có hành lang pháp lý cho phép thí điểm các mô hình, ý tưởng mới. Đó chính là cách để tạo điều kiện cho sáng tạo, là bước đi của một Chính phủ kiến tạo.
MC: Trong Cách mạng 4.0 có rất nhiều phần, nhưng theo ông startup không có lợi thế về vốn, kinh nghiệm, nhân lực… thì nên tiếp cận như thế nào? Liệu startup có thể nhảy vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo hay không thưa ông? (Hoàng Nam- Hà Nội)
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC:Trước hết bạn phải có ý tưởng sáng tạo, suy nghĩ một cách nung nấu và thấu đáo, tin tưởng là ý tưởng của mình xuất sắc, mới lạ, và sẽ đem lại hữu ích cho người sử dụng, điều này là hết sức quan trọng. Trên cơ sở ý tưởng bạn phải từng bước tạo ra sản phẩm, dịch vụ ít nhất ở mức sản phẩm mẫu. Và chứng minh được với mình về tính khả thi của nó, khi đó bạn mới có cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư, trình bày về ý tưởng của mình và chứng minh được tính khả thi.
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực mới, cơ hội mở ra rất lớn, tuy nhiên nếu muốn thành công thì sản phẩm của bạn cũng phải thực sự sáng tạo. Tôi cho rằng, trí tuệ nhân tạo là một xu thế rất tốt trong tương lai mà nếu các startup nếu có năng lực nên đầu tư.
MC: Cách mạng 4.0 thay đổi nhanh và khó dự đoán nên vấn đề đào tạo nguồn nhân lực sẽ khó khăn. Vậy CMC đã giải bài toán này thế nào?
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Chất lượng nguồn nhân lực luôn là vấn đề quan trọng nhất đối với công ty công nghệ. Chúng tôi nhận thức rất rõ điều đó, chính vì thế trong CMC có các Trung tâm phát triển nguồn lực CMC, có Viện Nghiên cứu ứng dụng CMC, có các hệ thống phòng thí nghiệm nghiên cứu các công nghệ mới. Điều này giúp cho việc đào tạo nhân lực của CMC luôn đáp ứng được yêu cầu của hiện tại và tương lai.
Không chỉ thế, CMC còn hợp tác với 5 trường đại học công nghệ hàng đầu của Việt Nam trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực. Chúng tôi có các chương trình phối hợp với nhà trường để cùng phối hợp tham gia với nhà trường trong công tác đào tạo sinh viên, nghiên cứu khoa học giúp các bạn sinh viên trước khi ra trường có kỹ năng và trình độ đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường.
CMC có các chương trình dành riêng cho sinh viên năm thứ 4, năm thứ 5 trước khi tốt nghiệp, hỗ trợ các bạn đào tạo thực tập chương trình vừa học vừa làm, có nhiều sinh viên hiện đang là nhân viên của công ty. CMC có kế hoạch trong vòng 3 năm tới sẽ cần có thêm 3.000 việc làm mới. Chính vì điều này chúng tôi nỗ lực cùng các trường tham gia vào công tác đào tạo, để chuẩn bị cho nguồn nhân lực của mình.
MC: Nhiều startup có ý tưởng nhưng thiếu vốn, họ nên bắt đầu như thế nào để hiện thực hóa ước mơ của mình? Nam Anh (Thái Nguyên)
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn NextTect: Đầu tiên cần khẳng định là hiện nay ý tưởng rất nhiều, rất dễ để có được và nhiều người có thể có chung một ý tưởng. Tuy nhiên, năng lực thực thi mới là vấn đề tối quan trọng. Trong đó, khả năng gọi vốn đầu tư cũng là một phạm trù trong khả năng thực thi.
Vì vậy, nếu bạn có ý tưởng thì hãy ít nhất phải tự huy động nguồn lực từ cá nhân, gia đình, bạn bè và những người xung quanh mình để thực hiện bản mẫu đầu tiên cho ý tưởng của mình, từ đó dùng bản mẫu này chứng minh với các nhà đầu tư rằng ý tưởng này là hiện thực ở quy mô nhỏ và mình có khả năng hiện thực hóa nó. Từ những nỗ lực ban đầu như vậy mới là cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc việc đầu tư. Nếu không bạn sẽ rất khó có thể tìm được nhà đầu tư chỉ đầu tư vào ý tưởng, trừ phi họ biết rất rõ trước về năng lực của bạn.
MC: Doanh nghiệp đàn anh, doanh nghiệp lớn có thể làm bệ phóng cho cộng đồng startup trong nước như thế nào? Các điều kiện, hình thức để nhận được hỗ trợ…? Phan Bình (Hà Nội)
|
|
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech: Tập đoàn NextTech là một ví dụ cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện thực hóa ước mơ của mình bằng một con đường startup an toàn hơn, đó là startup trong hệ sinh thái của NextTech. Tại NextTech chúng tôi chương trình “Next one hundred”, đặt mục tiêu trong khoảng 5 năm tới sẽ đầu tư hỗ trợ cho 100 doanh nhân công nghệ tiếp theo tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Nói về các điều kiện, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Có thể đúc kết 5 yếu tố quan trọng để NextTech lựa chọn các startup tham gia vào hệ sinh thái của đơn vị mình, trong đó: yêu cầu số 1 là phải đam mê; thứ hai là thái độ tốt; thứ ba là phải trẻ về hành động, suy nghĩ; thứ tư là có hiểu biết, kiến thức cơ bản về công nghệ, kỹ thuật số; và yếu tố cuối cùng là “hands-on”, là con người thiên về hành động, làm nhiều hơn nói.
MC: Startup cần bàn tay hỗ trợ của Nhà nước như thế nào?
Ông Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink: Chính phủ đang rất nỗ lực hỗ trợ cộng đồng startup. Như Bộ KH&CN cũng tạo ra nhiều sân chơi cho cộng đồng khởi nghiệp (như tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Techfest). Nhiều đến mức mà tôi thấy hiện nay thậm chí “khan hiếm” startup. Có những startup đi gọi vốn khắp 4-5 nơi, tôi nhìn đi nhìn lại chỉ có vài đại diện.
Bên cạnh đó theo tôi, Chính phủ có thể hỗ trợ cho chính các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để các doanh nghiệp phát triển startup ngay trong chính doanh nghiệp của mình.
Như Tập đoàn CMC có thể phát động phong trào startup trong chính doanh nghiệp của mình. Nếu chính phủ hỗ trợ như vậy thì cơ hội mang lại sẽ nhiều hơn, startup được hỗ trợ tốt hơn.
MC: Một thống kê gần đây cho thấy, hơn 40% doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động tại TP.HCM. Vì sao lại có sự chênh lệch lớn đến như vậy? Phải chăng TP.HCM đang có cơ chế ưu đãi đặc biệt mà các tỉnh thành khác không thể đáp ứng được? Hồng Nga (TP.HCM)
Ông Nguyễn Hòa Bình: Nếu con số thống kê nêu trên là chính xác, tôi cho rằng nó cũng phản ánh đúng bức tranh kinh tế. Thông thường, 40% thị trường nằm ở khu vực TP.HCM, khoảng 30% ở Hà Nội. Do vậy, tỷ lệ các doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung ở TP.HCM cũng là điều dễ hiểu. Và theo tôi, con số này cũng không thể nói rằng TP.HCM có cơ chế, chính sách hỗ trợ tốt hơn Hà Nội hay các địa phương khác.
MC: Tôi được biết CMC có Trung tâm hỗ trợ startup. Chúng tôi là 1 startup liệu chúng tôi phải làm thế nào, tiêu chuẩn nào để nhận được sự hỗ trợ từ CMC (Thanh Bình, Hà Nội)
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC:Tiêu chuẩn rất đơn giản. Bạn gửi hồ sơ thông tin công ty, và cá nhân, giới thiệu tóm tắt ý tưởng đến Trung tâm Sáng tạo CMC, tầng 19 tòa nhà CMC, 11 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Hoặc Quỹ Sáng tạo CMC, tầng 17 tòa nhà CMC, 11 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội Chúng tôi sẽ nghiên cứu và có thư phản hồi cho bạn. Hiện có rất nhiều startup đã liên lạc và làm việc với chúng tôi.
MC: Tôi nghe đâu đâu cũng nói đến 4.0 với nhiều mỹ từ rằng Việt Nam sẽ tận dụng được cuộc cách mạng này. Vậy nếu chúng ta không theo được làn sóng này thì chuyện gì sẽ xảy ra? (Huỳnh Phong – Đà Nẵng)
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC:Tùy theo mức độ ảnh hưởng của Cách mạng 4.0 đối với bạn, nó có thể tốt, xấu hoặc không liên quan đến bạn. Đơn giản là bạn có thể sẽ lỡ một chuyến tàu 5 sao.
MC: Cháu là một sinh viên muốn khởi nghiệp và muốn đi theo xu hướng 4.0. Xin chú cho cháu lời khuyên ạ? (Nguyễn Thắng, TP.HCM)
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC:Thứ nhất cháu phải tự đánh giá mình có khả năng khởi nghiệp hay không. Cháu có ý tưởng sáng tạo không. Ý tưởng phải thật sự xuất sắc và mới. Còn nếu chưa có thì nên tìm một công việc phù hợp để vừa làm vừa học hỏi. Chuẩn bị cho các cơ hội của mình trong tương lai. Không ai có thể đưa ra lời khuyên đúng cho mình bằng chính mình.
MC: Trong Cách mạng 4.0 có rất nhiều phần nhưng theo ông startup không có lợi thế về vốn, kinh nghiệm, nhân lực… thì nên tiếp cận như thế nào? Liệu startup có thể nhảy vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo hay không thưa ông? (Hoàng Nam - Đà Nẵng)
Ông Mã Hoàng Hải:Tôi có một lời khuyên nhỏ, công nghệ đến rồi đi, công nghệ mới thay thế công nghệ cũ. Chúng ta sẽ còn nhiều cuộc cách mạng nữa trong tương lai. Tuy vậy, vấn đề của khách hàng, người dùng, của cộng đồng luôn là vấn đề cần có giải pháp. Bạn sẽ là người cung cấp giải pháp đó mới là điều quan trọng. Khi đã xác định đúng được vấn đề và đề ra được giải pháp thì vận dụng công nghệ nào là lựa chọn của bạn và phụ thuộc vào năng lực và nguồn lực bạn sở hữu. Trong giới startup có một thuật ngữ là “Customer pain” (tạm dịch là nỗi đau của người dùng). Nếu có một thứ công nghệ bạn cần học thì điều bạn nên học thì đó là công nghệ nắm bắt nỗi đau của người dùng.
MC: Cháu là 1 sinh viên CNTT sắp ra trường, cháu muốn làm dự án khởi nghiệp và muốn đón đầu làn sóng 4.0. Liệu cháu có cơ hội để vào CMC để thực hiện ước mơ này không? (Phạm Sơn – Phú Thọ)
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Thứ nhất cháu phải tự đánh giá mình có khả năng khởi nghiệp hay không. Cháu có ý tưởng sáng tạo không. Ý tưởng phải thật sự xuất sắc và mới. Còn nếu chưa có thì nên tìm một công việc phù hợp để vừa làm vừa học hỏi. Chuẩn bị cho các cơ hội của mình trong tương lai. Không ai có thể đưa ra lời khuyên đúng cho mình bằng chính mình. Tại sao không. Với CMC bạn chỉ cần có ước mơ, có mong muốn làm việc nghiêm túc và tinh thần học hỏi không ngừng.
MC: Các starup công nghệ có xu hướng làm sản phẩm ngắn hạn chỉ 1-2 năm, rồi tìm nhà đầu tư để bán lại, ông có lời khuyên gì cho các starup nếu họ định làm theo hướng đầu tư ngắn hạn này?
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Xu hướng này chỉ là của một startup ngắn hạn. Về dài hạn, đối với các startup có tinh thần doanh chủ thường họ sẽ gắn bó cả đời với đứa con tinh thần của mình. Bạn có thể nhìn thấy nhiều tấm gương như Bill Gate, Steve Job, Jack Ma. Khi bạn định khởi nghiệp, nếu bạn chỉ suy nghĩ ngắn hạn, “ăn xổi” thì bạn rất khó thành công. Bạn phải yêu và chung thủy với đứa con tinh thần của mình thì mới có khả năng thuyết phục người khác.
MC: Hiện nay phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ nhưng tự phát, dường như đang thiếu sự kết dính cũng như thiếu một tổng chỉ huy, ông đánh giá thế nào về việc này? Liệu một cổng thông tin kết nối có đủ sức giải quyết các vấn đề trên? Phan Liễu (Bắc Giang)
" alt="Tọa đàm “Cách mạng 4.0: Cơ hội nào cho startup Việt?”"/>
Tọa đàm “Cách mạng 4.0: Cơ hội nào cho startup Việt?”