Câu chuyện phạt – kỷ luật học sinh lại một lần nữa rộ chuyện trong ngành giáo dục. Lần này là mâu thuẫn về phương pháp kỷ luật giữa gia đình và cô giáo. Cô giáo lần này bắt quỳ - vụ việc ở Trường THCS Tô Hiệu (Hà Nội) hay cô giáo liên tiếp tát,ôngthểdùngbạolựchọcđườngnhândanhgiáodụkeonhacai video dùng thước vụt mạnh nhiều học sinh – vụ việc ở Trường Tiểu học Quán Toan (Hải Phòng). Còn phụ huynh thì phản đối.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS Lê Nguyên Phương - chuyên gia tâm lý học đường, giảng viên chương trình cao học bộ môn Tâm lý học đường tại ĐH Chapman (Mỹ) - về câu chuyện này.
TS Lê Nguyên Phương |
Nhục hình vi phạm nhân phẩm con người và thực sự không kết quả
Quan điểm của ông trước hai sự việc trên là như thế nào, thưa ông?
- Tôi xin nói trước là khi trao đổi, tôi dùng chữ “nhục hình” với ý nghĩa nguyên gốc là “hình phạt làm cho đau đớn về thể xác”, chứ không phải ý nghĩa hạ nhục.
Theo nhiều nghiên cứu, ngoài việc có nguy cơ gây chấn thương trẻ, những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý là hậu quả chắc chắn sẽ xảy ra, trong đó phải kể đến tiến trình nhập tâm những tiêu chí luân lý sai lệch và sự tăng gia những hành vi phản xã hội cũng như sự hiếu chiến của nhiều trẻ.
Nó làm tổn hại quan hệ gia đình và nhà trường, giữa giáo viên và trẻ, khi mà những thành viên xã hội ngày càng ý thức hơn về phẩm giá của chính mình.
Và cuối cùng, dùng nhục hình nghĩa là chúng ta trực tiếp truyền đạt với trẻ “hãy dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, và ai có quyền lực hơn sẽ được dùng nó, ai ít quyền lực hơn phải phục tùng”.
Trong cuốn "Dạy con trong hoang mang", tôi có kể lại phát biểu của một vị mục sư Hoa Kỳ.
Khi được phỏng vấn bởi đài NPR, mục sư Nirvana Gayle ở thành phố Los Angeles (bang California, Hoa Kỳ) cho rằng ông không dạy con bằng nhục hình và trước đây bố mẹ ông cũng không nuôi dạy ông bằng nhục hình, vì con cái “cũng là con người và chúng ta cần sự kiên nhẫn và thời gian để xây dựng phương pháp và cách thức khác để dạy dỗ và huấn luyện con cái chúng ta”.
Mục sư Gayle còn đi xa hơn khi so sánh việc trừng phạt bằng đòn roi tức là hạ thấp con mình xuống hàng súc vật và chính thời xưa chủ nô cũng dùng roi vọt để điều khiển nô lệ.
Trong một phát biểu đồng tình với khuyến cáo của các hiệp hội Tâm lý học, Nhi khoa và Y khoa Hoa Kỳ phản đối bạo hành con trẻ, nhà giáo Rafranz Davis cũng nhận xét “Tôi nghĩ rằng lối thực hành ấy được dùng để kiểm soát những người ít quyền lực hơn mình”.
Nhưng phạt quỳ, ít ra ở trường hợp này, dường như không gây đau đớn về thể xác…
- Chúng ta cần phải hiểu rõ khái niệm dùng nhục hình. Theo định nghĩa của GS Murray Straus, chuyên gia nghiên cứu tại ĐH New Hampshire, “nhục hình” (corporal punishment) là việc áp dụng có chủ đích loại hình phạt gây ra những đau đớn cho thể xác như là một phương pháp để thay đổi hành vi.
Trong môi trường học đường, nếu giáo viên hay giám thị sử dụng các hình phạt sau thì đều có thể xem như là nhục hình: đánh đập học sinh, bắt học sinh phải giữ một nguyên vị trí trong một thời gian dài như bắt quỳ, hay bắt học sinh không được thực hiện một nhu cầu tự nhiên của thể xác như bắt nhịn tiêu tiểu.
Mở rộng hơn nữa thì chúng ta có thể dùng khái niệm bạo lực học đường của GS Stuart Henry đã đăng trên Viện Chính trị và Khoa học Xã hội Mỹ. Theo GS. Henry, bạo lực là “sự sử dụng quyền lực để hại người khác”.
Quan trọng nhất trong định nghĩa này là khái niệm làm hại được giáo sư Henry mở rộng để bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau.
Ngoài tổn thương thể xác, người bị hại còn bị tổn thương tinh thần như tâm lý hay cảm xúc; vật chất như vật sở hữu hay điều kiện tài chính kinh tế; xã hội hay quan hệ xã hội và bản sắc; đạo đức và luân lý…
Và người gây hại có thể dùng quyền lực để tước đoạt hay trấn áp một trong những sở hữu của người bị hại trong các lĩnh vực trên.
Chẳng hạn, một giáo viên khi dùng quyền lực của một giáo viên gọi một em học sinh là ngu dốt và cấm những em trong lớp không được chơi với em đó, thì đó là một hiện tượng của bạo lực học đường. Phạt quỳ cũng thuộc diện này.
Người giáo viên trong thí dụ không làm tổn thương thân xác của em học sinh đó nhưng đã tước đoạt phẩm giá, tước đoạt sự an lành trong tâm trí, tước đoạt vị trí xã hội trong lớp học, và trấn áp các quan hệ xã hội của em.
Đó là một hành động vi phạm quyền lợi của trẻ em. Và vì trẻ em là một con người nên về căn bản, đó là một hành động vi phạm nhân quyền.
Theo TS Lê Nguyên Phương, phạt quỳ cũng là hiện tượng bạo lực học đường |
Không thể dùng bạo lực nhân danh giáo dục
Thế nhưng, theo ông, khi dùng nhục hình, chúng ta có đạt được mục đích là kỷ luật học sinh không?
- Câu trả lời là không.
Những câu phát biểu đại loại như, “dùng nhục hình để khép trẻ vào kỷ luật, để sau này nó nên người” có gốc từ chủ trương “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, một câu nói thường được cho là của chính trị gia Machiavelli hay kịch tác gia Sophocles.
Chủ trương này thực ra sai lầm tận căn bản. Phương tiện quan trọng không kém cứu cánh, con đường đến đích cũng vậy. Chúng ta không thể diệt chủng nhân danh ổn định thì chúng ta cũng không dùng bạo lực nhân danh giáo dục.
Phương tiện chúng ta dùng thể hiện ở hiện tại bản chất của chúng ta từ trước đến nay, nhưng đồng thời nó cũng hình thành tính cách của chúng ta từ đây về sau.
Thánh Gandhi cho rằng không những phương tiện bất xứng sẽ hạ giá cứu cánh mà những phương tiện xấu xa sẽ không bao giờ dẫn đến mục tiêu tốt đẹp.
Chúng ta lên án khủng bố giết người vô tội cho mục đích của họ cũng như vậy. Như Mạnh Tử còn bảo rằng “Làm một chuyện bất nghĩa, giết một kẻ vô tội mà được cả thiên hạ đều không nên làm”.
Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy phương tiện nhục hình không dẫn đến cứu cánh mong đợi.
Trong một nghiên cứu tổng duyệt các bài nghiên cứu khác về nhục hình, chuyên gia tâm lý Elizabeth Gershoff thử tìm tương quan giữa loại hình phạt này và các kết quả mà cha mẹ và thầy cô nghĩ mong muốn như phục tùng ngay tức khắc, tiếp thu bài học luân lý, quan hệ tốt với cha mẹ…
Kết quả cho thấy nhục hình chẳng giúp gì cho trẻ ngoài chuyện làm cho trẻ phục tùng ngay lúc đó.
Không những chẳng đạt được mục đích, nhục hình trong kỷ luật còn làm tăng sự hiếu chiến, hành vi phản xã hội, và thậm chí một số chứng rối loạn tâm thần của trẻ, kể cả thui chột nhiều chức năng trí tuệ.
Một nhóm giáo sư ở Trường ĐH Toronto đã thấy trẻ bị dùng nhục hình trong trường thường kém hẳn trong các chức năng trí tuệ như hoạch định hay tư duy trừu tượng.
Đây không phải chỉ là nghiên cứu ở các nước ngoài đâu. Nghiên cứu của tổ chức Đời Trẻ (Young Lives) được thực hiện bởi Paul Portela và Maria Pells tại 4 quốc gia đang phát triển là Ethiopia, India, Peru, và Viêt Nam vào năm 2015 cho thấy những trẻ em bị nhục hình trong học đường ở 8 tuổi thì khi đến 12 tuổi có thể sẽ bị kém tự tin và điểm số toán và ngữ vựng sẽ kém hơn.
Dùng nhục hình là tạo ra những trái bom nổ chậm
Có một điều rất đáng lưu tâm là trong vụ việc phạt quỳ học sinh, rất nhiều ý kiến ủng hộ biện pháp của cô giáo. Ông nhìn nhận ra sao về hiện tượng này?
- Tôi nghĩ bất cứ sự tiến bộ nào cũng bắt đầu bởi những mâu thuẫn giữa những cái cũ và cái mới, giữa cái nhân bản và phi nhân bản...
Xem qua những tranh luận giữa hai phe thủ cựu và phe cấp tiến trên mạng về “quỳ hay không quỳ” tôi lại thấy mừng, vì mâu thuẫn là tiền đề của sự chuyển hóa mà.
Tuy nhiên, tôi thấy một số lý luận của phe “chống quỳ” chưa đầy đủ lắm, còn mang tính lý tưởng, và chưa nêu rõ những sai lầm trong lý luận của phe “chọn quỳ”.
Một số lý luận của phe “chọn quỳ” thì phạm lỗi ngụy biện nhiều quá, như “điều quan trọng là hiệu quả”, “tôi vẫn thành đạt (giàu có, nên người, học giỏi…)”, “thầy cô thương, muốn nên người nên mới hành động như vậy”, “không trừng phạt chuyện nhỏ, lớn lên nó sẽ hư hỏng, trộm cắp…”, “thầy cô chẳng dám đụng học sinh... và như ta thấy, học trò loạn lạc, đánh nhau đánh cả thầy cô, ăn cắp ăn trộm cô hồn…”, “Thầy cô khổ sở, bị áp lực…”.
Thậm chí, có người còn đưa ra khẩu hiệu có biết quỳ trước cha mẹ thầy cô mới không quỳ trước độc tài cường quyền.
Nếu chúng ta có chút kiến thức về luận lý học hay tư duy phản biện thì thấy các lập luận này đều phạm phải các loại ngụy biện, như suy diễn quá xa, kết luận hay khái quát hóa sai, đe dọa, đánh lạc hướng, ép chọn 1 trong 2, kêu gọi lòng thương hại…
Thật ra, nếu bên nào mà cứ cãi chày cãi cối bởi những lập luận không hợp luận lý, phi logic thì quả thật khó mà có sự chuyến hóa hay tiến bộ.
Nhưng nếu cả hai bên khi tranh luận đều xác định phạm trù và định nghĩa sẽ dùng trong cuộc tranh luận, dùng lập luận hợp lý logic, trích dẫn chứng cứ khả tín và khoa học, và nhất là tranh luận để tìm ra vấn nạn và giải pháp cho bài toán kỷ luật trẻ thay vì để thỏa mãn cái bản ngã và thành kiến của mình, thì tôi tin kết quả sẽ giúp cho nền giáo dục của trẻ ở trường và ở nhà của đất nước chúng ta nhiều hơn.
Một nhóm giáo sư ở Trường ĐH Toronto đã thấy trẻ bị dùng nhục hình trong trường thường kém hẳn trong các chức năng trí tuệ như hoạch định hay tư duy trừu tượng |
Tuy nhiên, nếu cứ cho rằng dùng nhục hình vẫn đang là biện pháp được một số giáo viên sử dụng trong trường học, thì ảnh hưởng của nó đối với trẻ sẽ là gì, thưa ông?
- Bác sỹ tâm thần Bruce Berry của Học viện Chấn thương Trẻ em tại thành phố Houston bang Texas cho biết bộ não của trẻ bị đe dọa đến sợ hãi không chỉ thay đổi các vùng mạng thần kinh mà còn thu nhỏ lại về kích thước.
Những chấn thương vì sợ hãi ảnh hưởng toàn diện mọi khía cạnh của sự phát triển của mỗi con người chúng ta, “Càng bị đe dọa, hành vi, suy nghĩ và thế giới quan của bạn càng trở nên sơ khai”.
Vì sao ư? Vì khi mạng sống bị đe dọa, thực hay tưởng tượng, thì nhu cầu bản năng sống còn sẽ vượt lên lý trí.
Nhìn từ khoa học thần kinh thì đó là việc hệ viền vốn chi phối phản ứng cảm xúc “cướp chính quyền” trong tay của vỏ não, vùng phát triển gần đây trong lịch sử tiến hóa của sinh vật và nắm vai trò chi phối nhận thức cũng như khả năng suy nghĩ, tư duy và tưởng tượng.
Khả năng khiến người ra người phải chăng chỉ là khả năng biết dừng lại và phản tỉnh về suy nghĩ, lời nói, và hành động của mình?
Cho nên bạn cũng đừng lấy ngạc nhiên khi con người trong một xã hội nào đó đã trở nên man dã thú tính nhiều hơn khi họ đã lớn lên trong những gia đình và học đường dùng sự đe dọa làm nền tảng giáo dục rồi lại phải trải qua những cuộc chiến máu lửa mà cái chết lúc nào cũng cận kề.
Những trái bom nổ chậm đó chỉ chực chờ một ngọn lửa của một va chạm quyền lợi hay thậm chí tầm thường như một lời khích bác để nổ tung.
Việc dạy trò bằng nhục hình cũng tương tự dạy con bằng nhục hình hay bạo lực.
Chúng ta thử xem Diane Baumrind nói gì về hậu quả của lối dạy con theo lối độc đoán: "Lối dạy theo kiểu độc đoán có thể xây dựng nên những đứa con biết lễ phép và vâng lời trong gia đình, có thể học tập tốt và kỷ luật ở trường, và công dân phục tùng ngoài xã hội. Nhưng lợi không bù hại. Hậu quả tiêu cực mà chúng ta có thể thấy ngay là sự tức giận, bất mãn, và uất ức của trẻ khi chúng bị áp lực hay thậm chí đàn áp để tuân phục những mệnh lệnh lề luật trong gia đình và nhà trường mà có khi rất tùy hứng và chủ quan của cha mẹ, thầy cô.
Về cảm xúc, chúng thường tự ti, bất hạnh, giận dữ hay yếu đuối, thiếu tình nhân ái; về trí tuệ, chúng kém óc sáng tạo và tư duy độc lập.
Trong xã hội, chúng kém khả năng ứng xử giao tiếp. Khi lãnh đạo trong công ty hãng xưởng, chúng chỉ lập lại mô hình “cai trị” của cha mẹ, thầy cô chúng đối với nhân viên: đòi hỏi rất nhiều nhưng hỗ trợ không bao nhiêu, thích nhân viên phục tùng không thắc mắc, và kiếm lỗi để trừng phạt nhiều hơn là kiếm công để khen thưởng. Nếu là cấp dưới, những đứa trẻ này khi lớn lên luôn sống trong sự sợ hãi sẽ thất bại, một mặt luôn muốn làm vui lòng nhưng lại ngấm ngầm bất mãn căm tức cấp trên. Chúng không biết làm việc trong quan hệ bình đẳng mà chỉ thích hợp trong những tổ chức có mô hình đẳng cấp phân biệt cứng nhắc"...
Xin cảm ơn ông.
• Tiến sĩ Lãnh đạo Giáo dục chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại University of Southern California (USC). • Trải qua 15 năm tư vấn học đường cho lứa tuổi từ mầm non đến đại học. • Là người đầu tiên tiếp nhận giải Chuyên gia Thực hành Tâm lý Học đường Quốc tế kiệt xuất của tổ chức International School Psychology Association (ISPA) 2011. • Là chuyên gia Fullbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển tâm lý Học đường tại Việt Nam 2009. • Tác giả bộ sách Dạy con trong hoang mang đạt giải thưởng Sách Giáo dục 2018. |
Ngân Anh thực hiện
Phạt quỳ: "Cảm thông, nhưng đã đến lúc nói không!"
-Đã có nhiều đồng cảm với áp lực của giáo viên, nhưng đến lúc cách phạt "truyền thống" cần chấm dứt để xác lập những giá trị và nền tảng giáo dục văn minh.