Với dân văn phòng hay phải ngồi sử dụng máy tính trong thời gian dài, bị đau, mỏi tay là việc xảy ra nhiều như cơm bữa. Lý do có lẽ xuất phát từ thói quen sử dụng chuột với tần suất liên tục, không nghỉ ngơi và khiến cho tay bị chấn thương.Các nhà sản xuất sau đó đã tạo nên một loại chuột có hình dáng khá lạ kỳ, với tên gọi “chuột dọc”, “chuột đứng” hay “chuột công thái học”, giúp tay người dùng thoải mái hơn khi dùng. Nổi bật nhất có thể kể đến các mẫu của Anker hay Delux, giá từ 600.000 - 800.000 đồng.
Tuy nhiên, WeBuy sau một hồi lặn lội lại tìm được một mẫu chuột công thái học, có kết không dây và giá chỉ 270.000 đồng, cũng được giới thiệu với khả năng giảm đau mỏi tay dù có sử dụng 24/24.
Vậy liệu mẫu chuột giá hời này có thực sự đáng để bỏ tiền ra hay không? Hãy cùng WeBuy tìm hiểu ngay trong bài đánh giá dưới đây:
Ấn tượng ban đầu
Mẫu chuột có tên "PKCB-WLM", xuất sứ Trung Quốc. Mặc dù được mô tả là “hàng chính hãng” nhưng trên cả bao bì và thiết bị không hề có logo hay tên thương hiệu. Bù lại, con chuột sở hữu cả kết nối Bluetooth lẫn pin được tích hợp sẵn bên trong thiết bị.
Đây là một điểm cộng khá lớn, giúp người dùng sử dụng thuận tiện và đỡ vướng víu hơn so với chuột có dây, không cần phải lo thay pin hàng tháng như một số mẫu chuột không dây khác.
Nhưng mẫu chuột cũng có những điểm trừ đáng tiếc, như không hề có khe giữ để cất đầu USB. Dây sạc pin không thể cắm khít vào thiết bị, để hở hẳn một đoạn đầu sạc, cho thấy mức độ hoàn thiện ở phần này là khá kém. Nhưng đừng quên với mức giá dưới 300.000 đồng, chúng ta cũng không nên hi vọng quá nhiều.
Thiết kế không khoa học
Tổng thể chung, chuột có hình dáng trông giống với... phi thuyền ngoài hành tinh, bên trái có một đoạn khoét sâu để đặt ngón cái. Phía trên nhô lên một đoạn nhựa, trông khá thừa thãi và kém sang.
Toàn bộ thân chuột cũng được làm hoàn toàn từ nhựa, các phần linh kiện gắn kết không khít với nhau, ở một số chỗ còn bị hở và méo mó, làm bụi dễ xâm nhập vào bên trong, làm hỏng các linh kiện, ảnh hưởng tới độ bền của chuột.
Nếu so với một mẫu chuột bình dân, PKCB-WLM có kích thước to hơn về cả bề ngang lẫn chiều cao (tất nhiên rồi), trọng lượng gần như tương tự nhau, vào khoảng 80g - 90g. Dù là “chuột dị” nhưng vẫn có đủ mọi nút bấm, bao gồm 2 nút trái/phải, thanh cuộn và nút back/foward được đặt ở phía thân trái.
Tuy vậy phần quan trọng nhất của chuột, đó là 2 nút bấm chính lại có vị trí khá bất lợi, gần sát với bề mặt di chuột, khiến cho người dùng khi cầm vào bị “cấn tay” ở ngón út và áp út.
Trải nghiệm sử dụng: Mỏi tay, khó làm quen, không phù hợp với đa phần người dùng
Cảm giác bấm chuột ban đầu là khá lạ tay, như nút bấm khá căng và nẩy, cho cảm giác tốt, thanh cuộn mượt mà, âm thanh khi bấm phát ra cũng ở mức độ vừa phải, ngón cái có chỗ dựa nên rất thoải mái.
Tuy nhiên, sau 1 tuần sử dụng, chúng tôi đã cảm thấy phần ngón út và áp út bị khó chịu. Lý do vì nút bám trái/phải có vị trí quá gần với mặt bàn, không có diện tích cho 2 ngón này tay nghỉ. Đây thực sự là một thiết kế kém khoa học.
Lý do? Bạn sẽ phải dùng cả bàn tay để điều chỉnh con chuột "công thái học", trong khi với chuột truyền thống, chỉ cần sử dụng ngón tay là chủ yếu, khiến cổ tay hoạt động nhiều hơn và dễ bị mỏi hơn.
Ngoài ra, phần phía trên của chuột (giống cánh buồm) cũng bị làm nhô lên quá cao so với mặt bàn, khiến tay dân văn phòng khi chuyển đổi giữa gõ phím và cầm chuột sẽ bị vướng, một số trường hợp không để ý gạt mạnh còn khiến thiết bị bay khỏi mặt bàn
Về mặt kết nối bluetooth, con chuột thể hiện khá tốt trong phạm vi 5 mét so với đầu USB nguồn, xa quá thì tín hiệu sẽ bị nhiễu. Pin dùng gần 1 tuần mới phải sạc lại một lần.
Theo nhà sản xuất, độ nhạy của chuột là 1.000 - 3.500 dpi nhưng chúng tôi cũng không có cách nào để điều chỉnh và kiểm tra chỉ số này, vì chuột không hề có nút chuyển đổi DPI hay phần mềm đi kèm.
Còn khi trải nghiệm thực tế, có thể cảm nhận ngay DPI của chuột là không hề cao vì tốc độ di chuyển của con trỏ rất chậm chạp và hay bị lag, độ nhạy kém, do đó càng làm người dùng khó điều khiển và mỏi tay hơn.
Cuối cùng, dù bây giờ đã là năm 2018 nhưng PKCB-WLM vẫn dùng đầu đọc laser, vì vậy nếu sử dụng trên những bề mặt bóng và gồ ghề thì sẽ con trỏ sẽ... nhảy loạn xạ trên màn hình của bạn.
Kết luận
Ưu điểm:
- Nút bấm có chất lượng tạm chấp nhận
- Thiết kế vị trí ngón tay cái hợp lý
- Có cả kết nối bluetooth và pin tích hợp sẵn
Nhược điểm:
- Không có khe cất đầu USB
- Làm từ nhựa, linh kiện méo mó, không gắn khít
- Nút bấm trái/phải có vị trí kém khoa học, khiến ngón út và áp út không thoải mái
- Cổ tay bị mỏi khi sử dụng lâu đối với những ai chưa quen
- Hay bị lag, độ nhạy kém, DPI thấp
- Không xứng với số tiền bỏ ra
WeBuy nhận định: Thử cho biết thì được chứ không đáng để mua
Con chuột “PKCB-WLM”, dù sở hữu mức giá có vẻ rẻ, (chỉ 270.000 đồng) có thiết kế công thái học chống mỏi tay, kết nối bluetooth và pin được tích hợp sẵn. Thế nhưng lại có quá nhiều nhược điểm so với ưu điểm, đem tới cảm giác sử dụng khá tệ và còn khiến dân công sở… mỏi tay hơn. Thiết bị này cũng chưa có giá hợp lý, giá đúng chỉ nên rơi vào khoảng 150.000 đến 200.000 đồng.
Nếu bạn thực sự muốn trải nghiệm chuột công thái học, có lẽ nên thử dùng tại cửa hàng trước để xem có hợp tay không và sau đó mới chọn mua các loại chuột có chất lượng cao hơn, quan trọng nhất là phải có thương hiệu rõ ràng.
Theo GenK
" width="175" height="115" alt="Có giá chỉ 270.000 đồng nhưng mẫu chuột 'công thái học' này có giúp dân văn phòng hết mỏi tay?" />