“Cô Quy là giáo viên lâu năm, đáng lẽ phải biết điều nào là sai, điều nào là đúng. Kể cả 5 phụ huynh kia có đồng ý đi chăng nữa nhưng nếu là người hiểu chuyện, cô sẽ không phạm vào luật xâm hại trẻ em. Tôi không chấp nhận hành vi của một cô giáo được đào tạo trong môi trường sư phạm nhưng lại hành xử như thế”.
Chị Loan cho rằng, lứa tuổi như con chị đang ở giai đoạn hiếu động, tâm sinh lý thay đổi. Nếu học sinh không nghe, là người có thâm niên, cô giáo phải “vừa dạy, vừa dỗ”.
“Nhưng cô giáo lại nói: “Đã phạt các cháu nhưng các cháu vẫn hư nên bắt buộc phải phạt hình thức như vậy”. Lời nói đó chứng tỏ cô không có tầm về nghiệp vụ sư phạm”, chị Loan nói.
Bản thân chị Loan mong muốn, giáo viên phải phối hợp với nhà trường và gia đình để giáo dục con trẻ. “Chúng tôi rất mong muốn khi cháu như vậy, cô giáo sẽ đi đến từng nhà, hoặc chí ít, nếu không đến được cô sẽ điện thoại cho phụ huynh để phản ánh tình hình học trò.
Từ đó, các bên sẽ phối hợp để tìm cách tháo gỡ. Đó mới là giáo dục trồng người. Nhưng thậm chí chúng tôi đã gọi cho cô rất nhiều cuộc mà cô không nghe máy, nhắn tin cô cũng không trả lời”.
Phủ nhận chuyện giáo viên nói gia đình không quan tâm đến con cái, vị phụ huynh này cho biết, duy chỉ có học kỳ I, do quá bận mải nên chị nhờ bà nội đi họp thay giúp.
“Nhưng đến học kỳ II bố cháu có đi họp cho cháu. Gia đình chúng tôi vẫn quan tâm, thậm chí ông bà còn đi học cùng cháu. Chúng tôi biết con cháu nhà mình nghịch ngợm nên buổi sáng dậy ông nội giục cháu đi học.
Cháu học 4 tiết, 5 tiết ông đều nắm được và đến cổng trường chờ cháu tan học. Ăn cơm xong bà lại đưa cháu đi đến lớp. Đó chẳng phải là sự quan tâm hay sao?
Những cơ sự như ngày hôm nay gia đình chúng tôi đều không mong muốn. Nhưng cô giáo rất quá đáng”, vị phụ huynh bức xúc.
Chị Loan cho biết, mình không phải là phụ huynh thuộc nhóm những người đồng ý cho cô giáo áp dụng hình phạt này trong lớp.
Chị Dương Thị Sắn cho biết, chị đề xuất hình phạt này chỉ mong con tiến bộ
Là một trong những phụ huynh đồng tình với hình thức phạt này, chị Dương Thị Sắn (phụ huynh học sinh trong bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội) cho biết, ở trên lớp, con chị là một trong những học sinh hay nói chuyện riêng. Vì vậy, cô giáo Quy đã mời chị lên trường để trao đổi trực tiếp.
“Trong buổi gặp mặt cô Quy đã trình bày về tình trạng học tập của cháu. Nghe xong tôi có đề xuất, nếu cháu không chịu nghe lời, cô giáo cứ phạt quỳ trước lớp chứ không cần nói nhiều. Tôi nói ra như thế chỉ để mong cô giáo có hình thức nào đó răn đe, khiến các cháu sợ.
Hình thức phạt quỳ như thế để đứa nọ nhìn gương đứa kia, còn nếu phạt dọn vệ sinh rồi cuối cùng đâu lại hoàn đấy. Tôi nghĩ, phạt quỳ thì con vẫn được nghe giảng và chép bài”.
Tuy nhiên, chị Sắn cho biết, mình “Chỉ nói miệng, không ngờ cô giáo làm thật”.
Mẹ của một nam sinh khác trong lớp (xin giấu tên) cũng cho hay, trong buổi họp chồng chị cũng đề nghị và cho phép cô giáo "cứ phạt hình thức nào khiến con ngoan hơn và tiến bộ là được”.
“Nói thật, con nhà mình ra sao mình biết. Có hư, có nghịch mới mong các cô làm sao rèn giũa cho nó tiến bộ", vị phụ huynh này nói.
Vị phụ huynh này cũng bày tỏ sự thông cảm với cô giáo sau sự việc. "Chắc cô cũng muốn học sinh ngoan lên mới hành xử như vậy. Nếu nói hành động này đúng thì cũng không phải, nhưng đây là do phụ huynh yêu cầu nên cô mới làm vậy.
Khi con bị phạt tôi cũng rất thông cảm cho cô, bởi gặp phải những trường hợp học sinh quá cá biệt bản thân cô cũng khổ tâm lắm. Nếu đặt cương vị mình vào dạy một lớp toàn học sinh cá biệt, nghịch ngợm, đánh nhau thì thực sự rất oải", vị phụ huynh này nói.
Về phía cô Quy, cô cho hay dù rất biết việc này là "sai về chuẩn mực sư phạm", nhưng cô vẫn đồng ý với nhóm phụ huynh này vì “đều là người cùng địa phương” và “xuất phát từ lương tâm người thầy”.
Cô Quy khẳng định chỉ làm điều này khi phụ huynh đề nghị và cũng chỉ với những học sinh được bố mẹ “nhờ vả”. Nhóm này gồm 5 phụ huynh, trong đó có mẹ của nam sinh quỳ trong bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội.
Có biên bản đồng ý phạt quỳ hay không?
Cô Quy cho biết, việc phụ huynh đề xuất hình thức phạt quỳ có biên bản cụ thể, rõ ràng. Trong buổi làm việc với VietNamNet chiều 13/5, cô Quy đã đưa cho phóng viên xem các tờ giấy viết tay được ghi là "biên bản họp phụ huynh" ghi ngày 19/1; trong đó có chữ ký của 5 phụ huynh.
Tuy nhiên, chị Sắn – một trong 5 phụ huynh có tên trong biên bản trên khẳng định với phóng viên rằng: Mặc dù đồng tình với hình thức này nhưng chị chưa ký bất cứ văn bản nào.
“Chỉ đến hôm kia, cô Quy có đến nhà xin tôi chữ ký vào biên bản về việc công nhận tôi có nói cho học sinh quỳ. Nhưng tôi từ chối vì không chắc những phụ huynh khác có đồng ý hay không mà trong biên bản lại nói 5 phụ huynh đều thống nhất”.
Chị Sắn khẳng định, chữ ký trong biên bản không phải của mình, thậm chí cả 5 tên đều có sự sai sót ở phần họ hoặc tên đệm.
Còn phụ huynh Loan cũng khẳng định "không có bất kỳ biên bản nào được ký trong thời điểm tháng 1/2019".
“Nếu không làm sai, tại sao cô phải đi xin?" - Chị Loan gay gắt cho rằng cô đã không trung thực với cấp trên và phụ huynh, và đây là điều "không thể chấp nhận được trong môi trường sư phạm".
Trước thông tin này, cô Quy cho biết, biên bản kia đã được đưa ra tại buổi họp phụ huynh từ tháng 1. Tuy nhiên, việc phụ huynh nào ký cô lại không nắm được. Còn việc phụ huynh cùng đồng tình về hình thức này là "đúng sự thật".
“Có thể là một trong những phụ huynh này đã ký giúp cho những phụ huynh khác”, cô Quy nói.
Thúy Nga – Thanh Hùng
Giáo viên phạt quỳ gối, hiệu trưởng nói học sinh "không hư"
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thược, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho rằng "đây là sự việc đáng buồn".
" alt="Phụ huynh bất đồng về hình thức phạt quỳ của cô giáo"/>