Sức khỏe cộng đồng là một trong những động cơ chính đằng sau sự ra đời của Vitasoy vào năm 1940. Lo Kwee-seong,ộctỉđôlàmgiàutừsữađậunàlịch âm dương năm 2022 một doanh nhân người Khách Gia sinh ra ở Quảng Đông, đến Hong Kong định cư từ năm 20 tuổi.
Năm 1937, sau khi kết thúc chương trình cử nhân kinh tế học tại Đại học Hong Kong, Lo có chuyến đi tới Thượng Hải. Tại đây ông được tham dự một buổi nói chuyện của Julean Arnold, khi đó là Đại diện thương mại Mỹ ở Trung Quốc. Trong bài nói chuyện đặc biệt về tác dụng của hạt đậu tương. Arnold đã gọi đậu tương là “con bò của Trung Quốc”, giải thích rằng thứ hạt đậu này giàu chất dinh dưỡng chẳng khác gì sữa bò.
Theo Bloomberg, bài phát biểu đó đã truyền cảm hứng cho Lo Kwee-seong đến mức ông đã thành lập công ty sữa đậu nành của riêng mình vào 4 năm sau đó tại Hong Kong và nhanh chóng “hái ra tiền” vì sữa đậu nành là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời thay thế sữa bò mà đa số người lao động thời đó không có đủ tiền để mua.
Lo từng hồi tưởng lại: “Tôi rời hội nghị với suy nghĩ về hạt đậu tương đau đáu trong đầu". Năm 1939, Lo làm tình nguyện viên tại một trại tị nạn ở Cửu Long dành cho những người chạy trốn cuộc nội chiến ở đại lục và nhận thấy quá nhiều người tị nạn bị suy dinh dưỡng. Lo mua máy nghiền bằng đá, đậu tương, đường, màng lọc và bắt đầu dạy cho người tị nạn trong trại cách làm sữa đậu nành.
Một năm sau, Lo Kwee-seong đã quyên được 15.000 USD để mở công ty sản xuất các sản phẩm từ đậu tương. Ông giành được sự ủng hộ của nhiều nhân vật uy tín, trong đó có Giám đốc bệnh viện Hong Kong Selwyn –Clark, người đã yêu cầu phục vụ sữa đậu nành cho toàn bộ bệnh nhân nghèo ở bệnh viện, thay thế sữa bò. Tuy nhiên, sau một năm đi vào hoạt động, công ty không thành công như mong đợi khi chỉ bán được 1.000 chai sữa đậu nành mỗi ngày. Vào thời điểm Nhật Bản chiếm Hong Kong tháng 12/1941, Lo rơi vào cảnh phá sản với khoản nợ 30.000 HK$.
Nhưng Lo không nhụt chí. Ông và gia đình chạy sơ tán về huyện Lingshan, miền tây Quảng Đông và bán sữa đậu nành từ một chiếc xe đẩy bên vệ đường. Sau chiến tranh, Lo trở lại Hong Kong, vay mượn thêm tiền từ bạn bè và mở cửa trở lại nhà máy.
Thời điểm đó, sản phẩm sữa đậu nành của Loy được đặt tên là Vitamilk, tuy nhiên năm 1952, một nhóm các công ty Hong Kong đã gây áp lực đòi chính quyền cấm ông sử dụng từ “milk” trong thương hiệu. Hai bên đi đến thỏa thuận vẫn giữ nguyên tên tiếng Trung là “sữa đậu nành” nhưng tên tiếng Anh thì đổi thành Vitasoy.
Chỉ đến cuối thập niên 1960, Vitasoy đã xếp thứ hai ở Hong Kong chỉ sau Coca-Cola, chiếm 25% thị phần thị trường nước ngọt.
Ngày nay, công ty Vitasoy International Holdings Ltd của Lo Kwee-song đang bán sản phẩm ở 40 thị trường, từ Mỹ đến Australia, trong đó Trung Quốc đại lục chiếm hơn một nửa doanh thu. Giá cổ phiếu của nhà sản xuất sữa đậu nành này đã tăng tới trên 3.500% kể từ khi công ty lần đầu bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) vào năm 1994. 8 thành viên trong gia đình Lo có tổng tài sản 1,5 tỉ USD, theo đánh giá của bảng xếp hạng tỉ phú Bloomberg Billionaires Index.
Báo cáo công bố hồi tháng 4 năm nay của Grand View Research cho biết, thị trường sữa đậu nành toàn cầu đã đạt doanh thu tới 15,3 tỉ USD trong năm 2018, và doanh số bán ra của sữa đậu nành bổ sung hương liệu được dự báo sẽ tăng trưởng 6,3% hàng năm kể từ 2019 đến 2025.
Vitasoy, một nhà cung cấp của “người khổng lồ” cà phê Starbuck, nay là một trong những thương hiệu được nhận diện mạnh nhất Hong Kong, với các sản phẩm được bày bán khắp các cửa hàng tiện lợi, siêu thị và online. Cổ phiếu Vitasoy đã vọt lên mức kỷ lục hôm 4/6 vừa qua, và đã tăng 44% chỉ trong năm nay.
Vitasoy công bố lợi nhuận 4,45 tỉ đôla Hong Kong (567 triệu USD) trong 6 tháng cuối của năm tài chính kết thúc vào 30/9/2018, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và triển vọng tăng trưởng tốt của công ty đang hấp dẫn thêm nhiều nhà đầu tư.
Nhà sáng lập Lo Kwee-seong đã qua đời năm 1995, một năm sau cuộc IPO, sự kiện giúp Vitasoy huy động được khoảng 200 triệu USD. Một số thành viên khác trong gia đình ông hiện nay vẫn tham gia quản lý công ty, trong đó có con trai Winston hiện là chủ tịch. Chị gái của Winston là Yvonne, cháu trai Peter và con gái May là các giám đốc điều hành. Vitasoy hiện trị giá khoảng 5,8 tỉ USD.
Trong bối cảnh công ty đang tiến gần đến dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80, Hong Kong đã trở thành “thánh địa” của các triệu phú, tỉ phú đôla. Vitasoy đã tái xây dựng thương hiệu các sản phẩm từ đậu nành thành một thương hiệu thực phẩm thiên nhiên và lành mạnh. Họ cũng đa dạng hóa các sản phẩm với việc cho ra đời nhiều loại nước tinh khiết, nước trái cây, trà chanh, các loại nước giải khát mùa hè phục vụ người tiêu dùng Hong Kong và Trung Quốc đại lục.
Chiến lược của Vitasoy là sản xuất ra loại thức uống bổ dưỡng và ít đường, với hàm lượng đường dưới 5g/100 ml. Trong khi các nhà máy của người Trung Quốc và Australia thường sử dụng đậu tương ở địa phương thì nhà máy Vitasoy sử dụng toàn đậu tương nhập từ Canada, cho hương vị rất riêng. Công ty không tiết lộ chi tiết về thành phần của Vitasoy, đương nhiên bởi đó là một bí mật thương mại. Nhưng dựa trên công thức bí mật đó, hương vị đặc biệt của Vitasoy là sự kết hợp của các nguyên liệu, quy trình sản xuất và gần 80 năm kinh nghiệm.
Victoria Mai, một viên chức 25 tuổi làm việc ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông phát biểu với Bloomberg, cô mua 24 vỉ sữa đậu nành và trà chanh Vitasoy mỗi 3 tháng. “Đồ uống Vitasoy tác động kỳ diệu với tôi. Nó làm tôi tỉnh người bất cứ khi nào thấy kiệt sức vì công việc”, Mai cho biết.
Theo Baotintuc