|
Thành lập năm 1977, hoạt động kinh doanh của REE bên cạnh mảng dịch vụ xây lắp cơ điện công trình (M&E) cốt lõi, còn có kinh doanh điện gia dụng với thương hiệu Reetech đạt kết quả kinh doanh tốt.
Giai đoạn 2015-2017, mỗi năm doanh thu của công ty này tăng gần 40%. Năm 2018, doanh thu đạt 5.100 tỷ đồng, gần gấp đôi 4 năm trước đó.
Xét về lợi nhuận, sau lần sụt giảm nghiêm trọng đến 20% chỉ còn 863 tỷ đồng năm 2015, mỗi năm lợi nhuận của REE tăng trưởng khoảng 1,3%, đạt 1.784 tỷ đồng năm 2018.
Tuy nhiên năm nay REE đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi với lãi ròng ước giảm 18% về 1.465 tỷ đồng, bởi dự kiến ngành tiện ích điện và nước còn non trẻ của công ty sẽ giảm mức lãi đóng góp dự kiến 38% so với năm 2018. Theo số liệu mới nhất, lợi nhuận sau thuế toàn công ty quý I/2019 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 370 tỷ đồng.
Riêng ngành cơ điện lạnh trong quý đầu năm nay ghi nhận doanh thu 679 tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 63% tổng doanh thu bán hàng của công ty.
Một ông lớn “nghìn tỷ” khác của ngành điện tử, điện lạnh Việt Nam là Sunhouse - tiền thân là công ty TNHH Phú Thắng, thành lập năm 2000. Sau khi liên doanh với Công ty TNHH Sunhouse Hàn Quốc năm 2004, Sunhouse bắt đầu phát triển và đầu tư vào nhiều lĩnh vực đa dạng như đồ gia dụng, thiết bị điện công nghiệp,…
Năm 2016, Sunhouse xếp thứ 2 thị trường với doanh thu 79,2 triệu USD, xếp sau Kangaroo với doanh thu 88 triệu USD. Tuy nhiên, nếu xét riêng ngành gia dụng, Sunhouse chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 8%.
Đến năm 2017, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, ông Nguyễn Xuân Phú cho biết doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng, trong đó đồ điện gia dụng chiếm 45%.
|
Thương hiệu trẻ đang tăng trưởng tốt là Asanzo hiện vướng nghi vấn dùng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt, cố ý xóa bỏ dấu vết “Made in China”. |
Một thương hiệu nổi bật khác trong ngành điện tử, điện lạnh Việt Nam chính là Asanzo của doanh nhân Phạm Văn Tam. Ra đời từ năm 2013 với sản phẩm chủ lực là TV phục vụ phân khúc trung cấp, Asanzo là một trong những thương hiệu điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại thị trường Việt Nam.
Từ một doanh nghiệp sản xuất tivi, sau 5 năm, Asanzo trở thành tập đoàn có hơn 70 dòng sản phẩm điện tử, 7 nhà máy, hơn 2.000 cán bộ công nhân viên, cùng hàng chục nghìn điểm bán hàng, trạm bảo hành trên toàn quốc.
Từ năm 2014 đến 2017, trung bình mỗi năm tổng doanh số tăng gần 57%, chủ yếu đến từ mức tăng của sản phẩm TV - chiếm đến 90,3% tổng sản phẩm của Asanzo. Tổng doanh số thu được của Asanzo trong giai đoạn 2014-2017 là 9.642 tỷ đồng. Năm 2018, Asanzo đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng với hơn 4 triệu sản phẩm các loại được bán ra.
Các sản phẩm điện lạnh gồm máy lạnh và quạt được phát triển sau nhưng cũng đã vươn lên thành dòng sản phẩm bán chạy thứ 2 của hãng. Năm nay, công ty định vị điều hòa chiếm 30-35% tỷ trọng trên 8 ngành hàng đang kinh doanh, chiếm 15% thị phần cả nước.
Tuy nhiên, hãng điện tử, điện lạnh với hơn 6.000 điểm bán này hiện vướng nghi vấn dùng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt, cố ý xóa bỏ dấu vết “Made in China” trên linh kiện tivi. Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao đã tước danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với các sản phẩm của Asanzo. Bản thân ông Phạm Văn Tam cũng phải rút lui khỏi chương trình khởi nghiệp uy tín Shark Tank Việt Nam mùa 3.
Hôm 23/6, Chủ tịch Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam thừa nhận 70-80% phần cứng của sản phẩm tivi được nhập từ Đài Loan và Trung Quốc, riêng phần mềm được nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
Hàng loạt đại gia nước ngoài thu triệu tỷ đồng tại Việt Nam
Chiếm lĩnh thị trường Việt Nam với hàng loạt sản phẩm điện tử, điện lạnh đa dạng, doanh thu của Samsung liên tục tăng trưởng. Năm 2018, doanh thu Samsung tại thị trường Việt Nam đạt 69.600 tỷ won (tương đương 60,3 tỷ USD), tăng 5,6% so với năm 2017, gần gấp đôi doanh thu năm 2014.
Tuy nhiên, sau nhiều năm liền tăng trưởng vượt bậc, lợi nhuận hãng này năm 2018 lại sụt giảm gần 24% so với năm trước đó, chỉ còn 4.800 tỷ won (tương đương 4,2 tỷ USD) do ảnh hưởng từ công ty sản xuất màn hình Samsung Display Việt Nam.
Đối với Panasonic, kết thúc năm tài chính 2017, tổng doanh số tại Việt Nam đạt 1 tỷ USD, tăng trưởng ở hầu hết lĩnh vực kinh doanh với tổng số vốn đầu tư lên đến 243 triệu USD.
Dù không công bố các kết quả kinh doanh tại Việt Nam nhưng Panasonic đã đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành thị trường điều hòa không khí lớn thứ 3 toàn cầu của hãng, đóng góp khoảng 16%, sau Nhật Bản và Indonesia.
Hãng không che giấu tham vọng tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam ký kết cùng các quyền lợi của Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) để phát triển quy mô thị trường điện máy trong những năm sắp tới.
Riêng đối với LG, dù doanh thu tại thị trường Việt Nam chỉ bằng khoảng 4% Samsung, sự tăng trưởng liên tục qua các năm cũng cho thấy sự đầu tư phát triển của hãng này. Kết thúc năm tài chính 2018, LG ghi nhận doanh thu 2.900 tỷ won (tương đương 2,5 tỷ USD), tăng khoảng 12% so với năm trước đó.
Lợi nhuận đạt 100 tỷ won, không tăng nhiều so với năm 2017 nhưng gấp 25 lần năm 2015. Con số lợi nhuận 4 tỷ won năm 2015 của LG đã lần lượt tăng lên đạt 67 tỷ won năm 2016 và 99,9 tỷ won năm 2017, cho thấy xu hướng sinh lời vượt trội của thị trường điện máy Việt Nam.
Quý II/2019 với những nghi vấn che giấu xuất xứ của Asanzo và đà tăng trưởng của các ông lớn khác chắc chắn sẽ có nhiều biến động mạnh.
Hiện tại, một số đơn vị bán lẻ, siêu thị điện máy đã tạm ngưng kinh doanh các sản phẩm của Asanzo trước khi có kết luận điều tra chính thức.
">