- Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2015. Đây là thời điểm toàn bộ hệ thống giáo dục của Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho những công việc cuối cùng. Từ góc độ một người đang nghiên cứu và tìm hiểu về đo lường và tâm trắc học giáo dục,ĐềxuấtmạnhmẽtrướcthiTHPTquốc1 nam người viết muốn chia sẻ một số kỳ vọng về kỳ thi đổi mới này.
Về chất lượng đề thi
Trong các hoạt động đo lường giáo dục, chất lượng đề thi có lẽ đóng vai trò quyết định nhất tới sự thành công của một kỳ thi. Với lợi thế về kinh nghiệm và khả năng huy động nguồn nhân lực làm đề thi, chất lượng đề thi có lẽ là vấn đề chúng ta có thể yên tâm nhất cho đến thời điểm này.
Theo thông báo chính thức của Bộ GD-ĐT, công tác làm đề thi tính đến nay đã được hoàn tất. Điểm mới của công tác này năm nay là Bộ đã tiến hành biên soạn đề thi chính thức dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia thử nghiệm diễn ra cách đây gần 2 tháng.
Kỳ thi thử nghiệm đã nhận được nhiều sự phản hồi và kết quả khác nhau cho từng nhóm thí sinh và các môn thi. Tuy nhiên, việc xây dựng đề thi chính thức dựa trên các kết quả thử nghiệm trong thực tế là một bước đi cần thiết nhằm tạo ra những đề thi có chất lượng tốt và phù hợp với thí sinh. Do vậy đề thi chính thức năm nay được kỳ vọng là sẽ là một thước đo có tính tin cậy và độ giá trị cao hơn đối với từng mục đích của cả kỳ thi.
Trong tương lai, tôi kỳ vọng những đề thi có tính quan trọng như thi tốt nghiệp THPT hay thi tuyển sinh vào ĐH sẽ được xây dựng theo những lý thuyết khảo thí hiện đại. Các đề thi được thiết kế và phát triển theo các quy trình chuẩn và các câu hỏi sử dụng cho các bài thi được thử nghiệm và chuẩn hóa trước khi được sử dụng để biên soạn đề thi chính thức.
Tổ chức thi nhiều lần ở nhiều địa điểm trong thời gian ngắn hơn
Khi chất lượng đề thi đã được đảm bảo, thì yếu tố tổ chức đóng vai trò quyết định tiếp theo tới chất lượng một kỳ thi.
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, các bước chuẩn bị cuối cùng cho công tác tổ chức kỳ thi đã hoàn tất. Nhiều cơ quan, tổ chức sẽ cùng tham gia vào công tác này nhằm đảm bảo kỳ thi sẽ được diễn ra an toàn, trung thực, nghiêm túc và giảm thiểu tối đa gian lận.
Do đây là kỳ thi có sự tham gia của hàng triệu thí sinh trên khắp cả nước, việc tạo điều kiện đi lại, ăn ở, sinh hoạt cho thí sinh cũng như người nhà thí sinh trước, trong và sau khi thi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thí sinh có trạng thái tâm lý và sức khỏe tốt nhất cho kỳ thi quan trọng này.
Trong tương lai, tôi kỳ vọng các kỳ thi như thế này sẽ được tổ chức linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các thí sinh và phụ huynh. Ta có thể xem xét việc tổ chức thi nhiều lần trong năm, tại nhiều địa điểm và thời gian thi ngắn hơn mà vẫn đảm bảo thu được kết quả đo lường đáng tin cậy và có độ giá trị cao phù hợp với mục đích của công cụ đo lường.
Về việc sử dụng kết quả thi
Có thể nói đây là năm đầu tiên trong vài thập kỷ vừa qua, kết quả thi sẽ được sử dụng cho hai mục đích khác nhau là mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH. Ngoài ra, điểm trung bình chung học tập cũng được sử dụng cùng với kết quả thi để tính điểm xét tốt nghiệp.
Việc sử dụng một kết quả thi cho nhiều mục đích khác nhau không phải là điều mới trong giáo dục.
Ngoài ra, việc sử dụng nhiều các kết quả khác nhau để xét duyệt cũng là một phương pháp được nhiều hệ thống giáo dục trên thế giới lựa chọn. Tuy nhiên, những việc làm này cũng có những hạn chế nhất định. Ví dụ như, thông thường người ta thường tránh sử dụng điểm trung bình chung học tập và các điểm thi để tính ra một đầu điểm trung bình. Lý do của việc này là vì người ta thường coi điểm trung bình chung học tập và điểm thi là không có cùng một thứ nguyên hay được tính trên cùng một thang đo.
Do vậy, chúng tôi kỳ vọng, các kết quả thi cùng với các kết quả học tập, rèn luyện khác của người học sẽ được sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả cho mục đích tuyển chọn. Ví dụ như, điểm trung bình trung học tập có thể được sử dụng như điểm điều kiện để xét tốt nghiệp hoặc xét vào đại học. Điều này sẽ có thể tránh được sự thiếu khách quan trong đánh giá kết quả học tập ở phổ thông.
Việc xác định ngưỡng điểm xét tốt nghiệp hay xét tuyển vào đại học cũng cần được thực hiện một cách khoa học và dựa trên các căn cứ thực tế. Xét đến cùng, một thí sinh đạt điểm không dưới ngưỡng điểm tốt nghiệp THPT là được công nhận tốt nghiệp bậc học này. Do vậy, xã hội có thể cho rằng người đó đã sẵn sàng để tham gia vào các hoạt động của xã hội như một người tự chủ và có những kỹ năng lao động cơ bản nhất để tham gia vào thị trường lao động.
Như vậy, về mặt nguyên tắc, điểm chuẩn tốt nghiệp THPT cần được xác định để đảm bảo rằng người học đạt không dưới ngưỡng điểm đó đã sẵn sàng tham gia vào các hoạt động xã hội và thị trường lao động phổ thông.
Tương tự như vậy, các ngưỡng điểm xét tuyển vào ĐH cũng cần được xác định để đảm bảo rằng những người đạt mức điểm không dưới mức điểm chuẩn đó đã sẵn sàng tham gia vào các khóa học ở bậc học cao đẳng và đại học tiếp theo.
Chưa giảm căng thẳng cho thí sinh?
Quan sát những đổi mới thi cử cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm 2015 do Bộ GD-ĐT chủ trì, chúng tôi nhận thấy nhiều điểm tích cực mà việc đổi mới này có thể đóng góp cho công cuộc cải cách cơ bản và toàn diện cho giáo dục Việt Nam.
Việc xây dựng đề thi chính thức dựa trên kết quả kỳ thi thử nghiệm cho thấy công tác làm đề thi đã được chuẩn bị công phu và bài bản hơn. Ngoài ra, việc tổ chức kỳ thi ở nhiều địa phương trên cả nước tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh và các gia đình. Việc cấp bảng điểm để các thí sinh có thể nộp vào nhiều trường khác nhau theo nguyện vọng cũng góp phần tăng cơ hội vào học ĐH của các thí sinh.
Ngoài ra, một số tín hiệu ban đầu cho thấy việc tổ chức kỳ thi như thế này có thể giúp giảm nhu cầu học thêm, luyện thi cấp tốc của thí sinh. Ghi nhận ở một số điểm luyện thi cấp tốc năm nay cho thấy số lượng thí sinh tập trung học luyện thi ở các cơ sở này có giảm rõ rệt so với mọi năm. Đây có thể xem là một tín hiệu tích cực cho thấy việc đổi mới hình thức thi và cách thức tổ chức thi có thể làm giảm vấn nạn học thêm, dạy thêm.
Tuy nhiên, việc gộp hai kỳ thi vào làm một này có làm giảm áp lực và căng thẳng cho thí sinh và phụ huynh không vẫn còn là một vấn đề cần xem xét và thu thập thêm căn cứ.
Như trao đổi của một số phụ huynh có con đang học lớp 12 cho rằng, năm nay con mình phải học ôn thi nhiều môn hơn so với các anh chị năm trước. Đây cũng có thể là một điểm còn tồn tại của cách thức tổ chức thi này.
- Phạm Ngọc Duy (Nghiên cứu sinh về đo lường và tâm trắc học giáo dục, Đại học Massachusetts Amherst)