Chụp thử vài tấm ảnh,ụphìnhchomálich am đẹp nhưng không có bóng người thì vắng lặng quá, tôi phải đi kiếm một mẫu nào đó để không gian sinh động hơn.
Về nhà, tôi thấy má đang đứng tựa lưng vào cửa nhìn ra. A, mẫu đây rồi, cần chi phải tìm loanh quanh. "Chụp hình thôi má ơi, thay đồ đẹp đi nào". Mẫu của tôi vào diện ngay chiếc áo dài nhung màu tím ưa thích nhất, chải lại mái tóc. "Mang theo cây dù nữa nghen má".
Rủ thêm mấy đứa nhỏ trong nhà, mấy bà cháu cùng leo lên xe. Dường như mẫu có vẻ hơi hồi hộp, cứ vuốt vuốt tóc rồi sửa đi, sửa lại tà áo dài...
Buổi sáng ở quê rất mát mẻ, không oi bức như Sài Gòn. Đoạn đường ngắn đó là ngã rẽ của con đường chính được trải nhựa chạy thẳng vào trung tâm xóm, nơi có căn nhà nhỏ của ngoại tôi. Nắng chiếu rực rỡ trên hai hàng cây cổ thụ có lẽ được trồng hàng chục năm rồi nên có gốc cực to và thân vươn thẳng lên rất cao. Tôi không biết là loại cây gì, chỉ thấy những chiếc lá to rụng xuống, tạo thành một lớp mỏng trên mặt đường lởm chởm đá.
Má tôi đứng đó, có chút ngỡ ngàng với không gian tĩnh lặng, đầy thơ mộng của đường quê. Dường như đây là lần đầu tiên má nhận ra vẻ đẹp rất tự nhiên của nó. Con đường không xa lạ gì bởi phía trong xóm là nơi má từng sống một thời. Nhọc nhằn buôn gánh bán bưng mấy khi được thảnh thơi để nhìn ngắm đường quê.
Mẫu lại vuốt nhẹ mái tóc, sửa tà áo dài lần nữa, chờ hiệu lệnh của "phó nháy" để bắt đầu nhập cuộc. Mẫu của tôi dễ thương, diễn theo răm rắp và rất chuẩn, thỉnh thoảng còn biết chủ động tạo dáng khoanh tay, nghiêng nghiêng người.
Má thời trẻ vốn đẹp, tôi thấy vậy khi xem cuốn album ảnh cũ của gia đình mà người bạn đời của mẫu đã giữ lại rất kỹ. Những bức ảnh của đôi uyên ương chụp cùng nhau của một thời xa, xa lắm...
Không còn mười tám đôi mươi, mẫu ảnh của tôi đã bước vào mùa xuân thứ 83. Dưới ống kính của con trai, má vẫn đẹp: rạng rỡ và hạnh phúc.
Dù thường được con cái chụp ảnh riêng, má vẫn thích những bức ảnh chụp gia đình, có đông đủ con cháu. Đi chơi đâu đông vui, má hay nhắc "kêu tụi nhỏ vô chụp hình chung" để rồi lâu lâu lại một mình lần mò xem lại những bức ảnh cũ. Những ngón tay gân guốc, xương xẩu cẩn thận lần dò trên từng khuôn mặt trong mỗi ảnh như để ôn lại, sợ quên mất tên của đám con cháu thân quen.
Hiểu được những ước mong của một người mẹ, làm cho họ cảm thấy an tâm và hạnh phúc đôi khi không phải là điều đơn giản.
Tháng trước, tôi xem "Lật mặt 7: Một điều ước" của Lý Hải và đánh giá cao tính chân thật của nhân vật người mẹ trong bộ phim.
Thực tế sống động về đời sống một gia đình với hình ảnh tần tảo quá đỗi thân thương của người mẹ đã đi vào trong phim ảnh theo cách giản đơn và chân thật. Người mẹ bao giờ cũng thế, dành hết tình cảm, sự yêu thương cho bọn trẻ, chỉ mong cho chúng trưởng thành và hạnh phúc.
Dường như ai xem bộ phim cũng thấy được một phần của cuộc đời mình trong đó để rồi nhận ra rằng cần phải yêu thương nhiều hơn người đã sinh ra, nuôi dưỡng mình nên người.
Từ những giấc mơ đầu đời đến những thất bại đớn đau, không ai khác chính Mẹ là người luôn ở bên chúng ta, là nguồn động viên và niềm tin vững chắc nhất. Mẹ, trong mọi hoàn cảnh, không chỉ là người mạnh mẽ và kiên nhẫn nhất mà còn là người bạn luôn sẻ chia mọi nỗi niềm với con cái.
Hơn 100 năm trước, một phụ nữ người Mỹ tên là Anna Jarvis đã kiên trì và không mệt mỏi để vận động tổ chức Ngày của Mẹ trên đất nước mình. Năm 1911, Ngày của Mẹ đã được tổ chức tại hầu khắp các bang của Mỹ. Và năm 1914, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson ký văn bản ấn định ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 5 hàng năm là Ngày của Mẹ. Từ đó, ngày quan trọng và nhiều ý nghĩa ấy dần lan tỏa rộng rãi ra nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong tất cả những ngày lễ, sự kiện văn hóa ngoại quốc được du nhập vào Việt Nam, tôi đánh giá cao sự lan tỏa tinh thần Ngày của Mẹ. Bây giờ, bất kỳ ai cũng có ít nhất một dịp đặc biệt để nghĩ về mẹ và làm một việc gì đó, bình dị và đơn giản thôi cũng được, miễn là để mẹ vui.
Hà Đức Trí