Ông Trump có thể rút Mỹ khỏi NATO khi trở lại Nhà Trắng
Thành Đạt(Dân trí) - Tạp chí Politico cho rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể tìm cách lách luật và rút Mỹ khỏi NATO mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội.
Tạp chí Politicocủa Mỹ đã mô tả một kịch bản có thể xảy ra, trong đó Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể lách luật và rút nước này khỏi Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà không cần sự chấp thuận của Thượng viện hoặc Quốc hội.
Bài báo cho biết hiện nay, những người ủng hộ NATO ở Mỹ đang tự trấn an bằng đạo luật, theo đó Mỹ chỉ có thể rời khỏi liên minh khi có sự đồng ý của 2/3 Thượng viện hoặc thông qua một đạo luật tương ứng của Quốc hội.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ông Trump có thể sử dụng quyền lực của mình để lách các hạn chế của Quốc hội bằng cách viện dẫn các quyền hạn của tổng thống về chính sách đối ngoại. Politicochỉ ra rằng đây là cách cựu tổng thống lách các hạn chế đối với các hiệp ước quốc tế khác và phương pháp này cũng có thể áp dụng cho NATO.
Ông Trump đã sử dụng cách tiếp cận tương tự vào năm 2019 để rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung với Nga, bỏ qua bước phê duyệt của quốc hội. Quyết định này đã gây ra tranh cãi trong cả cộng đồng chính trị Mỹ và các đồng minh NATO, nhưng lỗ hổng pháp lý đã cho phép chính quyền tổng thống bỏ qua các thủ tục lập pháp.
Politiconhấn mạnh kịch bản Mỹ rút khỏi NATO có thể làm mất ổn định nghiêm trọng liên minh và làm suy yếu vị thế của NATO trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên trường quốc tế.
Bài báo cũng cho biết nhiều người ủng hộ NATO ở Mỹ và châu Âu lo sợ viễn cảnh này, vì quyết định này có thể kéo theo những thay đổi nghiêm trọng trong cán cân quyền lực trên thế giới.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump nhiều lần chỉ trích NATO, từng dọa rút nước này khỏi liên minh quân sự và công kích các thành viên trong khối không đạt mức chi tiêu quốc phòng tương đương 2% GDP như cam kết.
Ngay trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông Trump tiếp tục khiến các đồng minh NATO chấn động khi tuyên bố rằng Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên không chi tiêu đủ cho ngân sách quốc phòng theo mức cam kết 2% GDP.
Hồi tháng 2, ông Trump đã gợi ý rằng ông sẽ khuyến khích Nga hành động với các đồng minh NATO chưa thực hiện được các cam kết tài chính với liên minh. Chính quyền Tổng thống Joe Biden lúc đó lên án những phát biểu này là "kinh khủng và mất kiểm soát".
Các chuyên gia cho rằng, những năm tới sẽ là thách thức đối với liên minh NATO, một phần là do nhiều quốc gia đã không chuẩn bị cho sự trở lại đầy ngoạn mục của vị cựu tổng thống.
Sự chú ý sẽ đổ dồn vào cách châu Âu xử lý vấn đề an ninh nội bộ trước sự hậu thuẫn không chắc chắn của Mỹ và ai sẽ chịu trách nhiệm chuyển viện trợ vào Ukraine.
Theo chuyên gia Hunter Christie, ông Trump đã rất nhất quán trong nhiều thập niên với suy nghĩ rằng các đồng minh của Mỹ là những "kẻ ăn bám" và hưởng lợi từ sự bảo vệ của Mỹ.
Các thành viên NATO châu Âu đã thúc đẩy tăng chi tiêu quốc phòng và đạt được chuẩn mực này trong những năm gần đây sau thời gian Mỹ luôn là quốc gia cung cấp những vũ khí quân sự đắt đỏ và là lực lượng răn đe hạt nhân chính cho NATO.
Theo Politico, Newsweek