Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Tăng ca mắc sốt xuất huyết, có ca rất nặng
Cuối phòng bệnh, bé Minh Khang (10 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) nằm ngủ li bì, bàn tay vẫn còn cắm ống truyền dịch. Chị Phượng Liên (36 tuổi, mẹ bé Khang) ngồi quạt cho con, gương mặt phờ phạc vì lo lắng.
Chị kể, trước đó 6 ngày, Khang sốt cao 38 độ C kèm nổi ban khắp cơ thể. Người mẹ cho con uống thuốc hạ sốt, nhưng đến đêm hôm sau lại sốt đến 39 độ C.
Vào bệnh viện địa phương, bé được bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán bị sốt xuất huyết trên thể trạng thừa cân. Sau 3 ngày điều trị, Khang đỡ sốt hơn, nhưng đến ngày thứ tư lại có triệu chứng xuất huyết, chảy máu cam, li bì rồi tình trạng ngày càng xấu đi.
"Vào Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ bảo tình trạng của con nặng lắm rồi…", chị Liên nghẹn ngào chia sẻ.
Bé Minh Khang tại bệnh viện (Ảnh: Diệu Linh).
Qua thăm khám, phía bệnh viện chuyên khoa Nhi chẩn đoán bé trai 10 tuổi sốc sốt xuất huyết, được liên tục truyền dịch. Sau một ngày điều trị, tình trạng bé chưa có chuyển biến rõ rệt, chưa qua giai đoạn nguy hiểm.
Vào viện cùng ngày với Minh Khang là bé Trịnh Đức (14 tuổi, ngụ quận 12). Trước đó, em sốt cao 3-4 ngày, uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Đến ngày bệnh thứ tư, Đức nổi ban toàn cơ thể và có tình trạng khó thở.
"Khi tới Bệnh viện Nhi đồng 1 khám, con được chuyển vào khoa Cấp cứu rồi lên khoa Sốt xuất huyết. Lúc này, máu của cháu bị cô đặc, phải truyền dịch liên tục. Mong con sớm khỏi bệnh, về nhà tôi sẽ cho bé tiêm vaccine sốt xuất huyết ngay", anh Trịnh Sinh, bố bé Đức cho hay.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trung bình mỗi ngày gần đây, đơn vị này tiếp nhận 5 trường hợp điều trị nội trú. Đến nay, khoa điều trị cho 60 bệnh nhi sốt xuất huyết.
Trong đó, nhiều trẻ có dấu hiệu nặng như sốc, suy các cơ quan… So với vài tháng trước, số lượng bệnh nhi nhập viện có sự gia tăng nhẹ (tháng 9-10, khoa điều trị cho khoảng 40 trường hợp/tháng).
Bác sĩ Tuấn khám cho một trẻ bị sốt xuất huyết (Ảnh: Diệu Linh).
Bác sĩ Tuấn dự đoán, số ca sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, do TPHCM và các tỉnh phía Nam vẫn chưa kết thúc mùa mưa. Ngoài ra, không loại trừ khả năng đỉnh dịch sốt xuất huyết kéo dài sang năm sau.
Trao đổi với phóng viên Dân trí , bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết mà đơn vị điều trị thời gian qua tăng cả về "lượng" lẫn "chất".
Cụ thể, trong ngày 13/11, phòng khám Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận 80 ca điều trị sốt xuất huyết. Hiện có 14 trẻ điều trị nội trú, 5 ca nặng và 1 trường hợp rất nặng. Hai tuần nay, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết vào nơi này tăng hơn 10%.
Ngoài sốt xuất huyết, các ca bệnh sởi điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vẫn giữ mức cao, với 35-40 ca nội trú/ngày. Hơn 90% bệnh nhi là trẻ từ tỉnh chuyển đến, với các biến chứng như viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết nặng, viêm ruột…
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, theo thống kê từ Phòng Kế hoạch tổng hợp, từ đầu tháng 11 đến nay có 82 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nhập khoa Nhiễm. Trong khi đó, cùng thời điểm của tháng 10 chỉ có 52 trẻ. Tổng số ca mắc sốt xuất huyết của tháng 10 là 412 ca, tăng hơn 120 ca so với tháng 9.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: Hoàng Lê).
Cảnh giác tâm lý chủ quan, nhầm lẫn bệnh khác
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn phân tích, các trường hợp sốt xuất huyết có biến chứng thường đưa vào viện ở giai đoạn muộn. Nguyên nhân có thể đến từ tâm lý chủ quan hoặc bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh có triệu chứng tương tự, như tay chân miệng, sốt siêu vi, sốt phát ban.
"Một số biến chứng thường gặp là lừ đừ, mệt mỏi, đau bụng, nôn mửa nhiều, tay chân lạnh. Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi cầu ra máu. Các bé gái ở độ tuổi dậy thì có thể xuất huyết tử cung nặng.
Khi xuất hiện những dấu hiệu trên, bệnh nhi nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể dẫn đến suy đa tạng như gan, cơ tim, hệ thần kinh… thậm chí tử vong", bác sĩ Tuấn cho biết.
Vết ban trên tay bệnh nhân sốt xuất huyết (Ảnh: Diệu Linh).
Do sốt xuất huyết rất dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh thông thường, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra ngay sau 2 ngày sốt cao không đỡ.
Đặc biệt, khi mắc sốt xuất huyết, cần theo dõi kỹ người bệnh trong ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Bởi giai đoạn này, người bệnh dù đã giảm sốt nhưng rất dễ rơi vào tình trạng sốc, dẫn đến biến chứng không được điều trị kịp thời.
Để giảm gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Tuấn khuyến khích mọi người có thể tiêm phòng vaccine kèm các biện pháp khác như diệt bọ gậy, phòng chống muỗi đốt.
Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tính từ đầu năm đến ngày 3/11, toàn Thành phố có hơn 10.600 ca mắc sốt xuất huyết.
Trong tuần 44 (28/10-3/11), TPHCM ghi nhận 661 ca bệnh, tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca nhập viện cũng gia tăng với 414 ca, tăng 89 ca so với tuần trước, trong đó có 113 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỷ lệ 27,3%). Trung bình số ca nặng điều trị là 12 ca/ngày.
" width="175" height="115" alt="3 bệnh viện nhi ở TPHCM tăng trẻ mắc sốt xuất huyết, có ca rất nặng" />