Từ tháng 9/2018, giá trị vốn hóa của nhóm công ty công nghệ FAANG liên tục suy giảm. |
Riêng Amazon và Microsoft giữ được mức tăng trưởng đáng mơ ước khi giá trị vốn hóa tăng lần lượt 40,56% và 30,5%. Tuy vậy, đà giảm liên tục từ tháng 8 của nhóm cổ phiếu công nghệ FAANG (Facebook, Amazon, Apple, Netflix, Google) khiến Amazon và Microsoft cũng chịu phần nào ảnh hưởng.
Về phần Netflix, tuy có mức tăng trưởng đều đặn hai con số nhưng rủi ro về cạnh tranh trực tuyến với các nền tảng công nghệ khác cùng nhiều khoản nợ của công ty cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.
Theo Investopedia, đà giảm giá của các công ty nhóm FAANG là do các nhà đầu tư lo ngại mức tăng trưởng quá nhanh của các công ty công nghệ kết hợp với sự chững lại trong kinh doanh khá giống với "bong bóng dotcom" những năm 2000.
Apple - món hàng mất giá
Biểu đồ vốn hóa của Apple giống hầu hết công ty công nghệ tại Mỹ. Công ty có bước khởi đầu tốt với giá cổ phiếu tăng mạnh vào tháng 3 sau đó chững lại ở tháng 4.
Đến tháng 6, cổ phiếu công ty bắt đầu tăng mạnh sau sự kiện WWDC. Apple giữ đà tăng trưởng này đến tháng 8, đưa giá trị vốn hóa của công ty lên mức nghìn tỷ và duy trì hai tháng sau đó. Đỉnh điểm là lúc giá trị vốn hóa Apple đạt 1.160 tỷ USD vào tháng 10.
Thế nhưng giờ đây, giá trị vốn hóa của Apple chỉ ở mức 861,7 tỷ USD, tức giảm 25,7% so với lúc đạt đỉnh.
|
Cổ phiếu của nhóm FAANG được nhận định có tỷ suất kém bởi nó đã phát triển quá lớn. |
Apple kết thúc chu kỳ tăng trưởng liên tục vào ngày 12/9, sau khi ra mắt loạt iPhone mới và Apple Watch. Giá cổ phiếu Apple giảm ngay sau khi iPhone ra mắt với mức 1,2%.
Nhiều trang công nghệ cho rằng 3 mẫu iPhone không có đủ đột phá để người dùng quyết định mua. Thế nhưng, các sản phẩm được Apple ra mắt đều có giá rất cao so với mặt bằng chung thị trường điện thoại. Điều này cho thấy sự tự tin của Apple về khả năng thu hút người dùng đã giảm đi.
Kết thúc quý III, cổ phiếu Apple bắt đầu lao dốc khiến công ty mất luôn vị trí trong "câu lạc bộ công ty tỷ USD". Thậm chí cuối tháng 11/2018, giá trị vốn hóa Apple chỉ còn mức 861 tỷ USD, bị Microsoft qua mặt với 862 tỷ USD.
Đà giảm giá cổ phiếu mạnh nhất bắt đầu từ ngày 1/11 sau khi Apple tuyên bố sẽ không công khai doanh số iPhone trong những quý tới. Trong khi đó đây là chỉ số quan trọng nhất để nhà đầu tư định giá cổ phiếu Apple.
Kèm với thông báo không công bố doanh số, Apple cho biết chỉ số này ở quý IV sẽ không được như kỳ vọng đặt ra. Điều này khiến các nhà đầu tư hoang mang và quyết định dừng cuộc chơi với Apple.
Theo Nikkei, Foxconn đã cắt giảm dây chuyền sản xuất iPhone XR từ 60 xuống 45 xưởng. Trong khi đó, Lumentum - nhà sản xuất linh kiện Face ID cũng giảm 70 triệu USD doanh thu. Công ty cho biết "một khách hàng lớn" đã giảm 30% đơn hàng cảm biến 3D. Nikkei cho rằng ai cũng có thể đoán được "một khách hàng lớn" đó là ai.
Lumentum tụt giảm 31% giá trị cổ phiếu, Apple cũng giảm ngay 5% giá trị khiến 50 tỷ USD vốn hóa thị trường của công ty bốc hơi trong một ngày. Tất cả điều này nhằm chứng minh loạt sản phẩm mới của Apple đều có doanh số không như kỳ vọng.
|
Sau báo cáo kinh doanh ngày 1/11, Apple mất 50 tỷ USD vốn hóa thị trường. |
Trong khi đó, JPMorganvà TF International Securities đều đưa ra dự báo xấu về doanh số bán iPhone. “Chúng tôi dự báo doanh số iPhone sẽ sụt giảm trong cả năm 2018 và 2019. Điều này được lý giải do bối cảnh kinh tế vĩ mô của các thị trường mới nổi đang suy yếu”, JPMorgan viết.
Khi được hỏi về việc không công bố doanh số iPhone sẽ làm ảnh hưởng tới việc đánh giá tình hình kinh doanh của Apple, CEO Tim Cook vẫn tự tin cho rằng: “Giống như khi bạn đi siêu thị, không quan trọng bạn mua bao nhiêu thứ, quan trọng là tổng giá trị những món hàng bạn mua là bao nhiêu”.
Và hiện tại, "món hàng" trên có giá 181 USD một cổ phiếu, giảm 5% so với tháng 1/2018.
Apple cũng gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường tiềm năng nhất từ trước đến nay. Tỷ giá USD/NDT quá mạnh khiến cho giá bán iPhone tại Trung Quốc tăng cao, cộng hưởng với việc giá bán trung bình iPhone tăng, khiến cho người tiêu dùng tại Trung Quốc muốn lựa chọn những chiếc smartphone cao cấp trong nước.
Mike Huffman, giám đốc đầu tư tại Rock Point Advisors tại Vermont nhận định Apple đã bị cuốn vào sự biến động của nhóm FAANG gồm Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet (công ty mẹ Google).
Cổ phiếu nhóm FAANG có chiều hướng tăng đều trong nhiều năm qua. Tuy nhiên trong ba tháng gần đây, giá trị cổ phiếu của nhóm này liên tục giảm: Facebook đã giảm 23%, Amazon 20%, Netflix 21% và Alphabet 15%.
|
"Không quan trọng bạn mua bao nhiêu thứ, quan trọng là tổng giá trị những món hàng bạn mua là bao nhiêu", Tim Cook, CEO Apple. Ảnh: Boston Globe. |
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sẽ áp mức thuế 10% lên iPhone và một số thiết bị điện tử tiêu dùng khác. Ngay lập tức, cổ phiếu táo khuyết đã giảm 1,5% vài giờ sau đó.
Trước đó trong bài phỏng vấn với WSJ, ông Trump nói rằng nếu các thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc không đạt kết quả, ông sẽ áp thuế lên tất cả các hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Đáng chú ý ông Trump có nhắc đến iPhone như một mặt hàng tiêu biểu trong các sản phẩm công nghệ mà Trung Quốc xuất khẩu.
Tháng 9, iPhone may mắn nằm ngoài danh sách các sản phẩm bị áp thuế nhập khẩu. Tuy nhiên việc ông Trump "chỉ mặt đặt tên" lần này có thể khiến Tim Cook phải lo lắng bởi việc áp thuế lên sản phẩm chủ lực của công ty sẽ ảnh hưởng đến giá bán và doanh số nghiêm trọng.
Hiện cổ phiếu Apple đang nằm trong thế khó tăng lại vì hai lý do: sản phẩm giá cao nhưng không đổi mới và chiến tranh thương mại.
Trong cuộc chiến thương mại lần này, Apple quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Theo báo cáo doanh thu quý III, khu vực Trung Quốc, gồm Hong Kong và Đài Loan là nơi mang về 20% doanh thu của công ty. Bên cạnh đó, Apple cũng phụ thuộc vào các nhà cung ứng, sản xuất tại quốc gia tỷ dân này.
Facebook sa sút vì hàng loạt bê bối
Khác với đa phần công ty công nghệ suy giảm giá trị vốn hóa vì ảnh hưởng chiến tranh thương mại. Facebook mất gần 141 tỷ USD, tức 26,4% vốn hóa so với tháng 1 bởi những bê bối tự gây ra.
Facebook có điểm xuất phát khá thuận lợi. Giá trị vốn hóa của công ty tăng đều từ tháng 2-3, giảm nhẹ ở tháng 4 và giữ đà tăng trưởng từ tháng 5-10 như bao công ty Mỹ khác. Tuy nhiên đến tháng 7, sau bê bối Cambridge Analytica, cổ phiếu Facebook có 3 đợt giảm lớn.
|
Liên tục dính phải các bê bối, Facebook đang trên đà suy thoái. Ảnh: AP. |
Ngay khi thị trường chứng khoán New York mở cửa sáng 26/7, sau khi bê bối Cambridge Analytica bị phanh phui, giá cổ phiếu của Facebook lập tức giảm kỷ lục 19%.
Sự việc diễn ra chỉ một ngày, sau khi kết quả kinh doanh quý II/2018 được công bố với việc giảm tốc tăng trưởng doanh thu và phát triển người dùng. Những tuần sau đó, Facebook đối mặt với làn sóng tẩy chay từ người dùng, đặc biệt, 3 triệu người dùng ở châu Âu từ bỏ Facebook.
Tài sản của Facebook trên thị trường chứng khoán bị thổi bay khoảng 120 tỷ USD. Đây là cú sụp đổ kỷ lục trong nhiều năm qua, vượt xa mức giảm 91 tỷ USD/ngày của Intel năm 2000.
Ngày 29/9, Facebook hứng chịu cú sốc thứ hai trong năm khi 50 triệu tài khoản cá nhân bị tấn công hai tháng trước đó khiến cổ phiếu công ty tiếp tục giảm thêm 5%.
Theo New York Times, lỗ hổng được phát hiện vào hôm 25/9, khai thác lỗi liên quan đến tính năng "view as", giúp người dùng có thể tự xem lại trang cá nhân của mình hiển thị như thế nào trong mắt bạn bè.
Từ lỗ hổng này, hacker có thể chiếm đoạt được tài khoản người dùng bằng cách sử dụng chuỗi mã token - mã dùng để đăng nhập Facebook mỗi khi người dùng nhập tài khoản và mật khẩu mà không cần bảo mật hai lớp hay cảnh báo đăng nhập.
Ngày 14/11, New York Times đăng tải bài báo 6.000 chữ gây chấn động về những bê bối liên quan đến chính trị và dữ liệu người dùng của Facebook.
Bằng một cuộc điều tra kéo dài hàng tháng của một nhóm phóng viên, NYT đã phơi bày gần như toàn bộ cách Facebook xử lý những bê bối "tày trời" của mình.
Trong phiên giao dịch ngày 19/11, cổ phiếu Facebook giảm 8%. Theo CNBC, với mức giảm này, cổ phiếu Facebook có giá thấp nhất trong 2 năm trở lại đây với giá 131 USD, quay về mốc cuối năm 2016.
Ngoài ra, sau mỗi phiên điều trần tại Mỹ, châu Âu... cổ phiếu Facebook đều giảm từ 2-5% giá trị. Hiện Facebook có giá 140 USD, giảm 23% so với đầu năm.
Amazon - cỗ máy kiếm tiền từ nhiều nền tảng
Việc chính phủ Mỹ áp đặt thuế quan cao lên các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc giúp Amazon tăng lợi thế cạnh tranh so với các trang thương mại điện tử từ Trung Quốc.
Thời đại của việc một mặt hàng mua từ Alibaba gồm phí vận chuyển vẫn rẻ hơn hàng mua từ Amazon đã qua đi.
Mặc dù vậy, đó không phải lý do khiến cổ phiếu Amazon luôn được săn đón đến độ nhiều chuyên gia phân tích lo ngại đó là bong bóng tài chính.
Amazon luôn mở ra những lĩnh vực kinh doanh mới cho công ty. Hiện Amazon đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực như quảng cáo, điện toán đám mây, nhà thông minh...
Trong lĩnh vực quảng cáo, dù bắt đầu cuộc chơi muộn hơn Google, Facebook, mảng quảng cáo điện tử của Amazon đã nhanh chóng chiếm được thị phần đáng kể trong thị trường.
|
Thị trường công nghệ ảm đạm nhưng nhờ nhanh nhạy kinh doanh, Amazon mỉm cười với mức tăng hơn 40% vốn hóa so với năm 2017. Ảnh: Getty. |
Tuy không tiết lộ rõ con số cụ thể nhưng Amazon nói rằng lĩnh vực quảng cáo đã đem về doanh thu tỷ đô cho công ty. Công ty cho biết, dịch vụ quảng cáo của họ đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo Amazon, các cửa hàng trên Amazon, các bên trung gian, người mua, tác giả sách đều sử dụng dịch vụ quảng cáo này của Amazon.
Theo ước đoán của quỹ đầu tư Olsavky, doanh thu từ quảng cáo của Amazon nằm trong danh mục “lợi nhuận khác” của báo cáo tài chính quý II và đóng góp lớn cho con số 2.19 tỷ USD của mục này.
Theo dự đoán của chuyên gia từ quỹ đầu tư PiperJaffray, doanh thu từ quảng cáo của Amazon có thể đạt 8 tỷ USD trong năm 2018, tăng gấp đôi lên mức 16 tỷ trong năm 2020 và lợi nhuận từ mảng này có thể vượt Amazon Web Service vào năm 2021.
Bên cạnh đó, Amazon vẫn tiếp tục mở rộng lĩnh vực kinh doanh của mình qua các ngành khác không phải chuyên môn của họ. Năm 2017, Amazon mua lại Whole Foods. Đến tháng 6/2018, Amazon tiếp tục mua lại đại lý dược của chuỗi PillPack với giá 1 tỷ USD.
PillPack là một start-up thành lập năm 2013 chuyên về phân phối thuốc theo toa cho bệnh nhân và điều này rất có ích cho những người lớn tuổi không thể đến trực tiếp hiệu thuốc. Công ty phân loại đơn thuốc theo liều, kèm với đó là hướng dẫn cách uống thuốc có ảnh minh họa trực quan.
Giới đầu tư đánh giá đây thực sự là một khoản đầu tư thông minh của Amazon. Mô hình kinh doanh sáng tạo của PillPack kết hợp với nền tảng công nghệ của Amazon sẽ đem lại kết quả kinh doanh tốt nhất.
Chuỗi ngày "xanh" liên tục của cổ phiếu Amazon chỉ chịu ảnh hưởng nhẹ vào tháng 10 khi công ty liên tục nhận các cáo buộc về môi trường lao động tồi tệ khiến 7 lao động chết trong lúc làm việc và nhiều người khác phải đi vệ sinh trong chai nhựa.
Bên cạnh đó, đà suy thoái của các công ty công nghệ nhóm FAANG cũng là một phần lý do ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Amazon khiến công ty mất gần 25% giá trị vốn hóa chỉ trong 3 tháng.
Microsoft - từng bước chậm mà chắc
Đứng ngoài nhóm FAANG, Microsoft duy trì mức phát triển ổn định so với các công ty công nghệ khác. Công ty không dính phải các bê bối chết người như bảo mật thông tin, dữ liệu người dùng hay ngược đãi nhân viên.
Những năm trước đây, Microsoft bị đánh giá là một công ty công nghệ phát triển chậm chạp. Tuy vậy, công ty chọn theo đuổi hướng kinh doanh nền tảng cho các doanh nghiệp khác, đặc biệt là điện toán đám mây.
Công ty mạnh dạn bỏ các mảng kinh doanh vốn là thế mạnh như sản xuất smartphone, bán hệ điều hành...
|
Kinh doanh cẩn trọng giúp Microsoft vượt mặt Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Ảnh: Getty. |
Chính cách kinh doanh B2B (doanh nghiệp đến doanh nghiệp) này giúp Microsoft phát triển ổn định. Tháng 11, Microsoft vượt mặt Apple trở thành công ty công nghệ đắt giá nhất hành tinh với giá trị vốn hóa 862,9 tỷ USD.
Microsoft đã bước những bước đầu tiên trong lĩnh vực điện toán đám mây từ những năm 1990, với dịch vụ trực tuyến MSN và sau đó là công cụ tìm kiếm Bing.
Năm 2010, sau khi Amazon tham gia thị trường điện toán đám mây, Microsoft mới bắt đầu xây dựng. Năm 2013, Microsoft mới đủ sức cạnh tranh với ông lớn bán lẻ về dịch vụ này.
Dưới triều đại Nadella, điện toán đám mây được xem là lĩnh vực kinh doanh trọng tâm của Microsoft. Bộ ứng dụng Office cũng được Microsoft tận dụng trong thời đại điện toán đám mây một cách triệt để. Hãng tạo ra phiên bản trực tuyến Office 365 cạnh tranh với Google.
Kết quả của chiến lược phát triển bền vững này là việc Microsoft tăng trưởng ổn định ở mức 30% trong năm 2018.
Các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến tỷ suất lợi nhuận
Nhóm FAANG vẫn đang chiếm ưu thế trên thị trường với lợi nhuận khổng lồ. Tuy vậy, theo Wired thị trường chứng khoán không định giá một công ty dựa vào lợi nhuận của nó.
Các nhà đầu tư chỉ dựa vào tỷ suất lợi nhuận để rót tiền vào một công ty. Đó là lý do tại sao công ty ứng dụng nhân lực Workday với doanh thu 2 tỷ USD/năm được định giá ngang với Aflac - công ty bảo hiểm có doanh thu 22 tỷ USD/năm.
Bên cạnh đó, việc các công ty công nghệ buộc phải “làm ăn đứng đắn” hơn khi các nhà quản lý châu Âu và sắp tới là Mỹ sẽ để mắt đến họ nhiều hơn. Theo Wired, không quan trọng việc các công ty công nghệ tăng thêm 10% giá trị trong những ngày cuối năm hay tiếp tục giảm vì chiến tranh thương mại.
Vấn đề lớn nằm ở việc các nhà đầu tư đang bước vào giai đoạn mơ hồ về tương lai cổ phiếu công nghệ trong thời gian tới. Đây không chỉ là vấn đề trên sàn chứng khoán mà còn với những lãnh đạo của các công ty này.
">