Theo The Guardian và Reuters, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cuối tuần qua đã triệu tập nội các chiến tranh để họp cùng các nhà đàm phán, những người tham gia thương thuyết ở Paris. Tuần này, nội các chiến tranh lại nhóm họp để thảo luận về việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Rafah, thành phố biên giới ở phía nam Gaza - nơi có khoảng 1,5 triệu người Palestine đang trú ẩn.
Ông Benjamin Netanyahu cho hay, một thỏa thuận chỉ có thể trì hoãn chiến dịch tấn công Rafah chứ không thể ngăn cản được việc đó.
Theo cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, các nhà đàm phán từ Israel, Qatar, Ai Cập và Mỹ đã nhất trí về các nội dung cơ bản của một thỏa thuận trong các cuộc hội đàm cuối tuần trước tại Paris song chi tiết cuối cùng vẫn chưa được quyết định.
Truyền thông Israel cho biết, thỏa thuận sắp tới sẽ gồm việc Hamas thả 30 hoặc 40 con tin, chủ yếu là người già, phụ nữ, người bị thương để đổi lấy 300 tù nhân Palestine và lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần.
Khoảng 130 người Israel đang bị bắt làm con tin ở Gaza, khoảng 1/4 trong số đó được cho là đã thiệt mạng. Hơn 100 người khác đã được trả tự do theo một thỏa thuận hồi tháng 11/2023. Sau khi thỏa thuận tháng 11 đổ vỡ, Hamas tuyên bố không thả thêm con tin nào nữa nếu không có ngừng bắn vĩnh viễn và trả tự do cho các chiến binh cao cấp của nhóm. Thủ tướng Israel tuyên bố, không thể chấp nhận những điều khoản đó.
Theo các cơ quan y tế của chính quyền do Hamas điều hành, các cuộc tấn công của Israel đã giết chết 29.692 người Palestine ở Gaza kể từ tháng 10, trong số đó 2/3 là phụ nữ và trẻ em, đồng thời làm bị thương 69.879 người. Ngoài ra, còn hàng nghìn thi thể chưa thể xác định được danh tính đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị đánh bom.
Hiện, các cuộc tấn công dữ dội của Israel nhằm vào Gaza vẫn tiếp diễn và kể từ thứ Bảy, đã có ít nhất 86 người thiệt mạng.
Tại bang Michigan, ông Trump giành được tỷ lệ ủng hộ lên tới 97,8% với 1.575 phiếu bầu, trong khi bà Haley chỉ nhận 36 phiếu, tương đương 2,2%. Ở bang Idaho, ông Trump tiếp tục áp đảo đối thủ cùng đảng khi nhận tỷ lệ ủng hộ 84,6%. Còn tại cuộc họp kín ở bang Missouri cùng ngày, cựu Tổng thống Mỹ được 100% đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ.
Tờ The Hill nhận định, chiến thắng áp đảo tại vòng sơ bộ của ông Trump ở ba bang Missouri, Idaho và Michigan đã tạo lợi thế lớn, khi nâng tổng số đại biểu ông giành được đến nay lên 192 đại biểu, tiến một bước lớn đến mục tiêu đạt 1.215 đại biểu để giành tấm vé đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Những chiến thắng áp đảo trên của ông Trump diễn ra chỉ vài ngày trước hàng loạt cuộc bầu cử sơ bộ tổ chức vào Siêu thứ Ba (5/3) tới, khi cử tri tại 16 bang và một vùng lãnh thổ của Mỹ đồng loạt tổ chức bầu cử sơ bộ.
“Tôi đã nhận được thông báo từ Chính phủ Italia rằng, hệ thống phòng không họ cho chúng tôi mượn trong một năm, sẽ được rút khỏi Slovakia vì họ cần nó ở nơi khác”, Thủ tướng Slovakia Robert Fico hôm 2/3 cho biết, nhưng không đề cập chính xác điểm đến tiếp theo của hệ thống vũ khí Italia.
Ông Fico cũng bày tỏ lo ngại về an ninh của đất nước ông sau khi không còn hệ thống SAMP/T, vì Slovakia hiện không có giải pháp thay thế nào để bảo vệ không phận của mình.
“Đầu tiên, chính phủ tiền nhiệm đã tặng Ukraine một hệ thống phòng không S-300 khổng lồ, do Nga phát triển và đang hoạt động bình thường. Sau đó, chúng tôi có các hệ thống Patriot do Mỹ chế tạo một thời gian ở đây, nhưng chúng cũng bị rút đi sau đó. Hiện điều tương tự lại xảy ra với hệ thống của Italia”, Thủ tướng Slovakia than phiền.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Robert Kalinak cũng bày tỏ quan điểm tương tự ông Fico. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Standard hồi tháng 1 năm nay, quan chức này cáo buộc chính phủ tiền nhiệm đã bàn giao các khí tài quân sự quan trọng cho Kiev mà không có kế hoạch đảm bảo thiết bị thay thế, đồng thời lưu ý việc đó có thể khiến Bratislava mất nhiều năm để khắc phục những thiệt hại gây ra cho an ninh quốc gia.
Sau khi đắc cử chức Thủ tướng Slovakia tháng 9 năm ngoái, ông Fico, một người công khai chỉ trích cách tiếp cận của phương Tây trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, đã dừng viện trợ quân sự của Bratislava cho Kiev. Trong một tuyên bố bằng video trên mạng xã hội vào tháng trước, ông Fico cũng khẳng định sẽ không cử binh lính Slovakia tới Ukraine, ngay cả khi điều đó khiến ông phải mất chức.