Ngành xuất bản vươn mình trong kỷ nguyên số
Trẻ em trải nghiệm sách nói tại TP.HCM. Ảnh: Khương Nguyễn - Kỳ Duyên. |
Tính đến tháng 10/2024, ở Việt Nam đã có 29 nhà xuất bản đủ điều kiện cấp giấy xác nhận đăng ký xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử. So với sáu năm về trước, khi nước ta chỉ có hai đơn vị được cấp phép, 29 là một con số cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của các đơn vị làm sách để nắm bắt các công nghệ mới.
Cùng sự tăng trưởng trong cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực xuất bản số cũng đang dần được hình thành. Những cơ sở đào tạo từng bước thử nghiệm ngành học, giáo trình, tín chỉ mới gắn với các kỹ năng sáng tạo nội dung số. Trong quá trình thay đổi toàn diện đó, không thể tránh khỏi những khó khăn, nhưng sự điều chỉnh linh hoạt của cơ chế, chính sách đem lại tia hy vọng mới cho ngành.
Xuất bản từng bước hiện đại hóa
Trong những năm gần đây, ngành xuất bản Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng kể nhờ việc ứng dụng công nghệ vào quá trình hoạt động. Theo ông Trần Chí Đạt - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông - chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản diễn ra mạnh mẽ ở các công đoạn khác nhau.
Nhiều nhà xuất bản và công ty sách đã nhanh chóng tận dụng công nghệ để mở rộng kênh phát hành, không chỉ giới hạn ở các kênh truyền thống mà còn phát triển các hệ thống phát hành trực tuyến đa nền tảng, tương thích với nhiều loại thiết bị và màn hình khác nhau. Đây là bước đột phá quan trọng, giúp các nhà xuất bản tiếp cận độc giả mọi nơi, mọi lúc, trên các thiết bị số.
Đặc biệt, kể từ sau đại dịch Covid-19, các nhà xuất bản và công ty phát hành sách nhanh chóng chuyển mình, đẩy mạnh hoạt động bán sách qua các ứng dụng công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả.
Ông Trần Chí Đạt - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông. Ảnh:Việt Hùng. |
“Chuyển đổi số không chỉ giúp việc phát hành trở nên thuận tiện mà còn làm cho quá trình biên tập nhanh gọn hơn rất nhiều”, ông Trần Chí Đạt nhận định.
Giám đốc Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh rằng nhiều khâu trong công tác biên tập hiện nay đã được tự động hóa nhờ hệ thống máy móc thông minh, chẳng hạn việc rà soát lỗi morat hay thậm chí biên tập bản thảo. Biên tập viên cũng có thể tiếp cận và kiểm chứng thông tin dễ dàng hơn nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ, từ đó nâng cao chất lượng bản thảo và kiểm soát tốt hơn những nội dung nhạy cảm.
Ngoài ra, theo Thạc sĩ Lưu Ngọc Thành - giảng viên khoa Di sản, Đại học Văn hóa Hà Nội - chuyển đổi số còn được thể hiện rõ rệt trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm. Sự phát triển của các loại hình xuất bản phẩm điện tử, đặc biệt là sách nói ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), đã mang lại những hiệu quả ấn tượng.
Các doanh nghiệp phát hành sách nói như Công ty TNHH WeWe với ứng dụng Voiz FM, hay Công ty Cổ phần Fonos với nền tảng sách điện tử Fonos, đã không ngừng phát triển và tạo ra diện mạo mới cho ngành xuất bản.
Những thay đổi này cho thấy quá trình chuyển đổi số đã và đang diễn ra rộng khắp trong toàn ngành xuất bản, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Yêu cầu về nhân lực cho ngành xuất bản số
Quá trình chuyển đổi số với lĩnh vực xuất bản không thể tách rời khỏi yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và bền vững, ngành xuất bản số cần một lực lượng lao động được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lớn nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Hầu hết người làm việc trong ngành xuất bản số xuất phát từ các ngành liên quan đến công nghệ thông tin và kỹ thuật máy tính, mà không có sự đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ xuất bản. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt về kỹ năng và kiến thức cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành xuất bản hiện đại.
Theo TS Vũ Thùy Dương - Trưởng khoa Xuất bản tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền - việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo chuyên ngành xuất bản tại các trường đại học và cao đẳng là con đường ngắn nhất để giải quyết vấn đề này.
Sinh viên khoa Xuất bản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền được cập nhật chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu nhân sự của thị trường. Ảnh: FOP. |
“Học viện đã xuất bản 15 giáo trình và đang tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ có giáo trình chuyên về xuất bản điện tử. Đặc biệt, các môn học về thực tế chính trị và xã hội đã được tích hợp vào chương trình giảng dạy trong ba năm gần đây nhằm nâng cao kiến thức thực tế cho sinh viên, giúp họ hiểu sâu hơn về ngành nghề mà mình đang theo học”, TS Vũ Thùy Dương cho biết.
PGS.TS Đỗ Thị Quyên - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - cũng nhấn mạnh rằng chất lượng đầu vào của sinh viên ngành xuất bản đang ngày càng được cải thiện, với tỷ lệ việc làm sau khi tốt nghiệp đạt mức khá cao, lên đến 70% tại một số trường.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành, các cơ sở đào tạo cần tiếp tục cải tiến và tích hợp thêm nhiều môn học liên quan đến công nghệ xuất bản - phát hành. Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất bản và các cơ sở đào tạo sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó tạo ra một đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường.
Cơ chế chính sách đang được hoàn thiện
Trong những năm qua, có nhiều cơ chế chính sách được điều chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản, đặc biệt là mảng xuất bản điện tử. Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - những nỗ lực điều chỉnh chính sách thể hiện qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản vào các năm 2004, 2008, 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động xuất bản.
Đáng chú ý là Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư đã định hướng nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Đồng thời Chỉ thị 42 chỉ rõ những yếu kém trong ngành và yêu cầu cải tiến cơ sở vật chất, hiện đại hóa quy trình biên tập bằng cách áp dụng công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, sự ra đời của Luật Xuất bản năm 2012 với Chương V đã đánh dấu một bước ngoặt trong việc quản lý hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử. Văn bản này đưa ra những quy định cụ thể về điều kiện kỹ thuật và công nghệ, giúp các nhà xuất bản có cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển xuất bản phẩm điện tử.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông. |
“Ngành xuất bản vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để đáp ứng những thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Các điều luật sẽ tiếp tục được điều chỉnh để có hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi số và xuất bản điện tử”, ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.
Không chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh các văn bản pháp lý liên quan, Chính phủ còn ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng khác nhằm thúc đẩy ngành xuất bản.
Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 16-01-2014 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch này đặt mục tiêu tăng tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử lên 20-30% tổng số xuất bản phẩm, đồng thời phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 700 triệu bản sách, tương đương 7 bản/người/năm.
Những cơ chế và chính sách này không chỉ tạo điều kiện cho các nhà xuất bản trong nước nâng cao chất lượng, mà còn mở ra cơ hội cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0. Sự điều chỉnh linh hoạt trong các văn bản pháp luật cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ đã và đang giúp ngành xuất bản Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.