Cơ sở đào tạo và doanh nghiệp ICT đã đến lúc “tuy hai mà một”
Giải bài toán "cung - cầu" nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi tọa đàm về nhân lực ICT. |
Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp” được tổ chức sáng nay 30/3.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn một số liệu cho thấy ICT đã trở thành một ngành kinh tế lớn dựa trên tri thức và công nghệ với quy mô khoảng 100 tỷ USD, giá trị xuất khẩu trên 90 tỷ USD và xuất siêu trên 25 tỷ USD, xấp xỉ 1 triệu lao động.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển vào năm 2045. Đột phá quan trọng để đạt được khát vọng này là dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, dựa vào công nghệ, dựa vào các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp số, doanh nghiệp ICT.
Nhắc đến tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “ICT là nền tảng của cách mạng số, CMCN 4.0, của chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số. Xây dựng một nền công nghiệp ICT vững mạnh đi tiên phong trong việc áp dụng và phát triển các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, tự động hoá, robot, phân tích dữ liệu lớn, 5G...; phấn đấu để Việt Nam trở thành một cường quốc về ICT, về công nghiệp CNTT, về điện tử viễn thông, về an ninh mạng, làm chủ về công nghệ, tạo ra sản phẩm Việt Nam và công nghệ Việt Nam”.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng: “Cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình, của nhân loại thì nước đó sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh. Nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung - cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng được sự thay đổi của thời đại”.
Chính vì sự thay đổi này, Bộ trưởng nhấn mạnh đến vấn đề đào tạo dài hạn và việc đầu tư cho thực hành trong đào tạo. Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Truyền thống đào tạo của chúng ta là học trước thì làm sau, không biết thì hỏi thầy, học sách giáo khoa là chính, thầy dạy trò nghe, nghe theo là quan trọng, học thuộc là quan trọng, học cách giải quyết vấn đề là chính, giảng đường là cơ sở chính của đại học, học nhiều thực hành ít, đào tạo dài hạn là chính".
"Thế giới bây giờ đã nhiều thay đổi, làm trước rồi học sau, tự học để biết đến 70 - 80% rồi mới học thầy, học nhiều hơn những cái mới của tháng trước, quý trước, năm trước là cái không có trong sách giáo khoa. Mời doanh nhân, mời chuyên gia vào giảng nhiều hơn. Tư duy phản biện là quan trọng để phục vụ cho sáng tạo và đổi mới. Người thầy bây giờ đóng vai huấn luyện viên để giao việc cho trò làm. Học cách tìm ra vấn đề là quan trọng hơn, các phòng lab trở thành cơ sở chính của nhà trường, nghiên cứu trong môi trường ảo, mô trường mô phỏng nhiều hơn là trong môi trường thực, tiếng Anh, IT trở thành công cụ tối thiểu và bắt buộc. Thực hành nhiều hơn, tăng cường đào tạo...", Bộ trưởng cho biết.