Ba địa phương từ chối nhận và xin điều chuyển vắc xin Pfizer cho nơi khác là Hà Nội,àNộivàtỉnhthànhnàotừchốihoặcchưanhậnvắbdhn Hải Dương, Thanh Hóa (tổng số gần 373.000 liều, chiếm gần 2/3 số vắc xin chưa được tiếp nhận toàn khu vực miền Bắc).
Riêng với Hà Nội, khoảng gần 2 tuần nay, thành phố không tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi. Số liều vắc xin đã tiêm cho trẻ theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tính tới hết ngày 1/6 vẫn là 170.770 liều.
Trước đó, cơ quan chức năng của Hà Nội rà soát có hơn 1 triệu trẻ từ 5-11 tuổi. Ngoài ra, có hơn 6.600 trẻ em trong độ này không đi học nhưng sinh sống trên địa bàn thành phố.
10 nơi chưa tiếp nhận số vắc xin được phân bổ là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang (tổng số vắc xin chưa nhận là hơn 1,2 triệu liều).
Ngoài ra, có tới 22 địa phương mới nhận một phần số vắc xin được phân bổ.
Thông tin này được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương báo cáo tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ tiêm vắc xin giữa Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành hôm 1/6.
Viện này cho hay có tới hơn 2,7 triệu liều vắc xin dành cho cả người lớn và trẻ em còn tồn tại ở các địa phương.
Nguyên nhân được chỉ ra là do công tác triển khai tiêm chủng gặp nhiều khó khăn, các đối tượng đi tiêm chủng chưa cao. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng vắc xin thấp, cùng với số vắc xin dự trữ tại tuyến quốc gia có nguy cơ dư thừa và hết hạn phải hủy bỏ cao.
Đối với 13 tỉnh, thành chưa nhận vắc xin đã được phân bổ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị khẩn trương tiếp nhận để tiêm vét, tiêm mũi 3-4 cho người dân. Trước mắt hạn nhận đợt 1 là ngày 6/6.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị 13 địa phương này phải nhận ngay, hạn đến ngày 3/6.
Trong trường hợp địa phương nào không nhận, ông Tuyên đề nghị UBND tỉnh có văn bản cam kết đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế ghi rõ: “Hết đối tượng tiêm, chúng tôi không nhận vắc xin nữa”.
“Nếu để xảy ra dịch bùng phát thì địa phương sẽ chịu trách nhiệm”, ông Tuyên nhấn mạnh đây là do các địa phương chưa thực sự quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Động thái trên của lãnh đạo Bộ Y tế được đánh giá là khá mạnh mẽ trước thực tế tiến độ tiêm chủng mũi 3, tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi đang chậm lại. Nhiều tuần nay, trung bình mỗi tuần Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lại ban hành từ 1-2 văn bản thúc giục các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4, tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi và tiếp nhận vắc xin.
10 ngày qua, trung bình mỗi ngày cả nước tiêm được 100.000 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Tỷ lệ người đủ điều kiện đã được tiêm mũi 3 mới đạt 61,8%.
Hiện còn hơn 20 triệu người đủ điều kiện tiêm mũi 3, tuy nhiên, với tốc độ tiếp nhận, tốc độ tiêm như hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng nguy cơ cao sẽ không đạt chỉ tiêu tiêm chủng và không sử dụng hết hàng triệu liều vắc xin Pfizer hạn cuối tháng 6 này.
Còn với nhóm trẻ từ 5-11 tuổi, tổng số vắc xin đã và sẽ nhận là 18,5 triệu liều của Pfizer và Moderna (số lượng tương đương). Hiện Việt Nam đã tiếp nhận 14,5 triệu liều, số còn lại là 4 triệu liều sẽ tiếp nhận trong tháng 6/2022.
Dự kiến số lượng trẻ đủ điều kiện tiêm vắc xin Covid-19 trong tháng 6 khoảng 3,6 triệu.
Tuy nhiên, 10 ngày qua, mỗi ngày cả nước chỉ tiêm được 94.000 liều, tiến độ mũi 1 đạt khoảng 35%. Có tới 20 tỉnh/thành có tỷ lệ tiêm dưới 30%.
Do đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thẳng thắn nhìn nhận nguy cơ không đạt chỉ tiêu tiêm chủng và không sử dụng hết hàng triệu liều vắc xin Pfizer trẻ em.
Thanh Hiền