Cúp vô địch Euro 2008 làm thay đổi vận mệnh ĐTQG Tây Ban Nha. Trước đó,ĐộituyểnTâyBanNhathaytênđổivậpogba họ được gọi là “Vua vòng loại”, tức chơi rất hay, ghi rất nhiều bàn thắng ở các trận vòng loại, vòng ngoài, rồi thất bại ở các trận then chốt tại các giải đấu lớn.
Chiến thắng tại Euro 2008 là đà tiến để Tây Ban Nha giành cú ăn ba chưa từng có trong lịch sử, vô địch ba giải lớn liên tiếp: Euro 2008, World Cup 2010, Euro 2012. Điều gì đã khiến đội bóng thay đổi lớn như vậy?
Một phần là nhờ lối chơi tiki-taka mà Johan Cruyff đặt nền móng tại Barca, tại học viện đào tạo cầu thủ La Masia, nơi sản sinh ra các cầu thủ xuất sắc như Xavi Hernandez, Andres Iniesta. Một phần khác người ta ít khi nhắc đến là việc đổi biệt danh đội tuyển của cố HLV Luis Aragones.
Chuyện này được tác giả Jimmy Burns viết trong cuốn sách “La Roja: How soccer conquered Spain and how spanish soccer conquered the world”. Cuốn sách 29 chương kể các câu chuyện về bóng đá Tây Ban Nha một cách sinh động, từ khi người Anh lần đầu tiên mang bóng đá đến vùng tây nam Tây Ban Nha vào thế kỷ 19.
Vào thập niên 1920, Tây Ban Nha có những cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên. Athletic Bilbao là một trong vài đội nổi bật nhất. Phong cách năng nổ và mạnh mẽ của đội bóng xứ Basque này tạo nên một chuẩn mực. Người ta dùng thuật ngữ La Furia (Cơn thịnh nộ) để chỉ phong cách này.
Người xứ Basque cao và khỏe hơn những người Tây Ban Nha khác, họ đã quen chơi trong điều kiện ẩm ướt, trong khi phần lớn Tây Ban Nha là bán sa mạc. Vào thời trước, rất ít sân ở nước này được phủ cỏ.
Bóng đá Tây Ban Nha vào thập niên 1980 với chân sút Butragueno không gặt hái thành công vì sự chia rẽ trong xã hội và làng bóng đá nước này. |
Nội chiến Tây Ban Nha kết thúc năm 1939, Tướng Franco thiết lập chính quyền độc tài. Bóng đá là trò tiêu khiển được nhà nước khuyến khích, miễn là nó không bị kẻ thù của nhà nước khai thác. Nhưng bằng cách nào đó, những kẻ thù của Franco là những người cánh tả, hội tam điểm, những người có tư tưởng tự do cho đến những người theo chủ nghĩa dân tộc ở xứ Basque và Catalonia đều khai thác được bóng đá để truyền tải những điều họ muốn nói đến dân chúng.
Với ngày càng nhiều người Tây Ban Nha di cư từ nông thôn đến các thành phố lớn, đặc biệt là Madrid và Barcelona, cùng với sự lan rộng của đài phát thanh và sau đó là truyền hình, bóng đá vượt qua đấu bò tót để trở thành trò tiêu khiển phổ biến nhất.
Dù không ưa kẻ thù của mình là những người theo chủ nghĩa dân tộc ở xứ Basque, Franco rất hâm mộ thuật ngữ "La Furia" xuất phát từ đó. "La Furia" được bộ máy tuyên truyền của nhà nước định nghĩa lại và quảng bá như một trong những đức tính hàng đầu của nước Tây Ban Nha mới. Furia Espanola tức là "Cơn cuồng nộ" của người Tây Ban Nha.
Giữa các môn thể thao, "La Furia" thể hiện rõ nét nhất trên sân bóng đá. Bóng đá được chơi như thể mặt sân là chiến trường và cầu thủ là những người lính. Trong đó, điều quan trọng nhất là lòng dũng cảm, sự hy sinh và trên hết là sự hủy diệt về thể chất đối với đối thủ. "La Furia" trở thành biệt danh của ĐTQG Tây Ban Nha, mà đại diện của nó là tiền đạo xuất thân từ Athletic Bilbao: Telmo Zarra.
Zarra có 6 mùa giải là Vua pha lưới La Liga. Người ta thường nói Zarra chơi bóng bằng ba chân. Chân thứ ba chính là cái đầu tàn khốc của ông, điển hình nhất là cú đội đầu đưa bóng vào lưới đội Anh tại World Cup 1950, giúp Tây Ban Nha thắng 1-0. Người Tây Ban Nha như cảm thấy họ trả được món nợ của trận thủy chiến thua Anh từ tận năm 1588.
Nhưng sau đó mấy hôm, ở vòng đấu chung kết, Tây Ban Nha bị chủ nhà Brazil đánh bại 6-1. Từ năm 1939 đến 1975, ba thập kỷ rưỡi dưới chế độ Franco, ĐTQG chỉ giành một danh hiệu bóng đá duy nhất là vô địch Euro 1964. "Cơn cuồng nộ" không ăn thua. Từ sau chế độ Franco, người ta không muốn dùng từ "La Furia" để gọi ĐTQG nữa, vì nó dính đến Franco. Mà gọi bằng một từ rất trung tính La Seleccion – đội tuyển.
Người đầu tiên gọi ĐTQG bằng cái tên "La Roja" (Màu đỏ) là Luis Aragones, HLV đội tuyển Tây Ban Nha từ năm 2004 đến 2008. Một số người phản đối cái tên này vì nó gợi lên ký ức về những người cánh tả trong cuộc nội chiến thập kỷ 1930. Một số khác hoài nghi ông Aragones muốn lấy lòng thủ tướng đương nhiệm Zapatero là một người cánh tả.
Sự đoàn kết giữa các cầu thủ Barca như Puyol và Pique với các cầu thủ Real Madrid như Ramos đem đến thành công cho ĐTQG Tây Ban Nha. |
Nhưng Aragones coi nhẹ bất kỳ ý kiến mang tính chính trị, ông cho rằng Tây Ban Nha chỉ đơn giản là đi theo bước những ĐTQG thành công khác tạo nên thương hiệu bằng màu áo của họ, như Azzurri (Thiên thanh) của Italy, hay Les Bleus (Xanh lam) của Pháp, hay Orange (Da cam) của Hà Lan. Màu đỏ vốn là màu áo của ĐTQG Tây Ban Nha.
Thật kỳ lạ, cái tên "La Roja" lại tạo nên sự đoàn kết to lớn giữa các cầu thủ Tây Ban Nha vốn trước đây chia rẽ bởi vùng miền, bởi những ý định ly khai của các sắc dân Basque và Catalonia, bởi những thù địch trong bóng đá.
Sự chia rẽ này có từ trước khi bóng đá xuất hiện trên bán đảo Iberia. Như nhà du hành người Anh sắc sảo Richard Ford cưỡi ngựa đi khắp Tây Ban Nha vào giữa thế kỷ 19 chấp bút trong cuốn sách “Sổ tay dành cho khách du lịch ở Tây Ban Nha”. Ford đi đến kết luận rằng một trong những đặc điểm cơ bản của người dân Tây Ban Nha là họ không có khả năng hoặc sẵn sàng tập trung năng lượng của mình vì lợi ích chung, điều mà ông gọi là xu hướng “không hợp nhất” của họ.
Aragones, một người khá cộc cằn, hay có những phát ngôn mạnh mẽ đến thô lỗ, lại có xu hướng phân biệt chủng tộc nữa, lạ thay lại áp dụng lối chơi tiki-taka của Barca nhuần nhuyễn vào ĐTQG, kết hợp hài hòa các cầu thủ xứ Catalonia với các cầu thủ Madrid, với sự cầm chịch về mặt chiến thuật của một cầu thủ da màu nhập tịch là tiền vệ Marcos Senna.
Aragones ra đi trên đỉnh cao, sau cúp vô địch Euro 2008. Del Bosque, một người Madrid khiêm tốn lên thay đã làm công việc tiếp quản một cách hoàn hảo, sử dụng đa phần cầu thủ Barca trong đội hình chính. Hàng trăm nhà báo theo sát "La Roja" trong nhiều năm phải công nhận đại bản doanh của Del Bosque là yên tĩnh nhất từ trước tới giờ, không có chuyện chia phe phái, mất đoàn kết, bất ổn nội bộ trong đội bóng.